Cơ hội dần khép lại

Trong báo cáo công bố nhân dịp Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), tổ chức Dự án Carbon toàn cầu cảnh báo, thế giới ngày càng xa mục tiêu của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: RAHMA
Biếm họa: RAHMA

Tổ chức này ước tính, chỉ bảy năm nữa, mức tăng nhiệt độ Trái đất sẽ vượt ngưỡng 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Báo cáo nêu rõ: Lượng khí thải CO2 do các hoạt động sử dụng than đá, dầu mỏ và khí đốt trong năm 2023 tăng 1,1% so với mức năm 2022. Ước tính, các quốc gia thải ra tổng cộng 3,6 tỷ tấn CO2 từ nhiên liệu hóa thạch, nếu tính cả việc sử dụng đất, lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ lên 40,9 tỷ tấn. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ ghi nhận mức tăng cao nhất.

Tác giả chính của báo cáo, GS Pierre Friedlingstein tại Đại học Exeter (Anh) cảnh báo: Thế giới dường như sẽ khó tránh được nguy cơ mức tăng nhiệt toàn cầu vượt giới hạn 1,5oC. Cơ hội đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris đang dần khép lại. Vì thế, các nhà lãnh đạo tại COP28 cần hành động ngay bây giờ, thúc đẩy cắt giảm nhanh hơn nữa lượng phát thải từ nhiên liệu hóa thạch, mới mong đạt được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt Trái đất không quá 2oC.

Trong Thỏa thuận Paris, các nước nhất trí giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng dưới 2oC so với giai đoạn tiền công nghiệp và nỗ lực đạt mục tiêu tham vọng hơn là 1,5oC. Các nhà khoa học chỉ rõ, mức tăng nhiệt hơn 1,5oC sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng và khó đảo ngược. Theo LHQ, để khống chế mức nóng lên toàn cầu không quá 1,5oC, thế giới phải giảm tới 50% lượng khí thải từ nay đến năm 2030.

Tuy nhiên, lượng khí thải tăng cao trong những năm gần đây. Đại dịch Covid-19 phần nào giúp tốc độ chững lại trong giai đoạn ngắn, song khí nhà kính đã tăng trở lại, hiện cao hơn 1,4% so với giai đoạn đại dịch và tăng 6% so với mức tại thời điểm các nước ký Thỏa thuận Paris năm 2015. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ toàn cầu đã cao hơn khoảng 1,4oC và là mức tăng cao nhất từ trước tới nay.

Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, chỉ khi chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thế giới mới có thể kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 1,5oC. Ông chỉ rõ: “Con người không thể cứu hành tinh đang cháy bằng vòi cứu hỏa sử dụng nhiên liệu hóa thạch!”.