Chuyến thăm củng cố quan hệ đồng minh

Ngày 23/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Ottawa bắt đầu chuyến thăm Canada, nơi ông gặp gỡ Thủ tướng Justin Trudeau và có bài phát biểu trước Quốc hội nước này. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên Canada của ông Biden kể từ khi nhậm chức hồi năm 2021, qua đó thúc đẩy hợp tác trên nhiều mặt và đặc biệt là xây dựng vững chắc hơn quan hệ đồng minh giữa hai quốc gia Bắc Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Hai nhà lãnh đạo Canada (trái) và Mỹ gặp gỡ tại Ottawa. Ảnh: AP
Hai nhà lãnh đạo Canada (trái) và Mỹ gặp gỡ tại Ottawa. Ảnh: AP

Trong lịch sử, việc viếng thăm Canada luôn là chuyến công du nước ngoài ưa thích đầu tiên của các Tổng thống Mỹ, ngoại trừ hai ông Jimmy Carter và Donald Trump. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã hai lần ngăn cản ông Biden thực hiện chuyện này. Chuyến thăm này cũng nhằm đánh giá lại những gì hai bên đã làm, quan hệ hai bên đang ở đâu và những gì hai bên cần ưu tiên cho tương lai.

Theo CNN, dù diễn ra muộn màng song chuyến đi vẫn được đánh giá là thời điểm phù hợp để hai bên bàn thảo các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương và quốc tế. Đây là cơ hội để Mỹ và Canada xem xét các vấn đề cấp bách mà cả hai nước đang đối mặt như an ninh quốc phòng, năng lượng, thương mại và di cư, đồng thời củng cố quan hệ đồng minh. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng bàn thảo về việc phối hợp hỗ trợ Ukraine, hiện đại hóa Bộ Tư lệnh phòng thủ vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), cũng như một loạt vấn đề quan trọng khác như tăng cường chuỗi cung ứng, chống biến đổi khí hậu, tăng tốc chuyển đổi năng lượng sạch, tình hình bất ổn ở Haiti...

Vấn đề ngăn chặn người di cư xâm nhập bất hợp pháp lãnh thổ Canada rồi từ đó tới Mỹ là một trong những chủ đề chính được hai nhà lãnh đạo Bắc Mỹ thảo luận. Ngay trước thềm cuộc gặp, hai bên đã bước đầu đạt được thỏa thuận nhằm không cho người di cư vào Canada thông qua các cửa khẩu không chính thức. Hiện hai nước có đường biên giới trên bộ dài gần 9.000km và có nhiều cửa khẩu không chính thức. Riêng trong năm 2022, dòng người di cư từ Mỹ vào Canada đã lên tới gần 40.000 người. Về phần mình, Mỹ cũng nỗ lực ngăn chặn dòng người trái phép vào nước này.

Chuyến thăm cũng là dịp để Tổng thống Mỹ tìm kiếm một đồng minh “mạnh mẽ hơn” trong việc đối phó các vấn đề quốc tế gai góc, như cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay. Cuộc xung đột tại Ukraine đang khiến vấn đề phòng thủ khu vực Bắc Mỹ trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc hội đàm. Canada từng cam kết chi 40 tỷ CAD trong 20 năm tới để hiện đại hóa NORAD, trong đó có việc tiếp nhận chuyển giao từ Mỹ hệ thống radar vượt tuyến và mua sắm các máy bay chiến đấu F-35. Hệ thống radar vượt tuyến sẽ giúp mở rộng khả năng giám sát của NORAD xa hơn về phía bắc và có thể phát hiện các mối đe dọa mới của nước ngoài ở Bắc Cực.

Bên cạnh đó, khơi thông dòng chảy thương mại tự do giữa Canada và Mỹ cũng là vấn đề quan trọng đối với cả hai nước. Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Canada lâu nay vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng, trong đó có việc Washington khấu trừ thêm thuế cho những loại ô-tô điện do nước này chế tạo, trong khi Canada đánh thuế đối với những tập đoàn công nghệ có trụ sở tại nước này, tăng thuế nhập khẩu đánh vào gỗ xẻ mềm, tấm pin năng lượng mặt trời...

Chuyến đi của Tổng thống Biden là động thái tái khẳng định cam kết của Washington đối với quan hệ đối tác Mỹ-Canada, đồng thời thúc đẩy an ninh, thịnh vượng và các giá trị chung của hai nước. Phát biểu ý kiến trước báo giới về chuyến thăm của Tổng thống Biden, Thủ tướng Trudeau khẳng định: “Canada và Mỹ là đồng minh, là láng giềng và quan trọng nhất là bạn bè. Khi đối mặt với sự bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng, chúng ta sẽ tiếp tục phối hợp cùng nhau để bảo vệ lục địa và các giá trị chung, tạo thêm cơ hội cho người dân và doanh nghiệp ở hai bên biên giới và xây dựng các nền kinh tế vững mạnh với tư cách là nhà cung cấp đáng tin cậy khi chúng ta tiến tới một thế giới không carbon”.