Ông Barla Giribabu, 45 tuổi, có một mảnh đất ở bang Maharashtra, nơi ông đã trồng bông trong hơn 20 năm qua. Dù vậy những nông dân như ông chỉ có thể canh tác trên một diện tích nhỏ và chịu ảnh hưởng từ giá cả biến động. Ngoài ra, các chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu hoặc thiên tai, mất mùa luôn hiện hữu, nên canh tác và chế biến bông theo cách làm cũ không tạo ra nhiều lợi nhuận cho nông dân.
Ông Garibabu cho biết: “Canh tác bông cần trải qua rất nhiều công đoạn từ khi trồng cây giống tới lúc thu hoạch. Để giữ hạt bông trắng xốp, mềm thì trước khi thu hoạch chúng tôi cũng cần phun thuốc xử lý, cũng như các hóa chất bảo vệ thực vật trước đó”. Trong khi đó, bông hữu cơ là một giải pháp bền vững hơn. Cây bông được trồng từ hạt giống không bị biến đổi gen và không sử dụng thuốc trừ sâu. Thực hành canh tác hữu cơ tránh sử dụng các hóa chất độc hại đồng thời hướng tới bảo vệ môi trường bền vững và sử dụng ít tài nguyên hơn.
Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu bông hữu cơ đang tăng cao trên thị trường, hàng nghìn nông dân tại các vùng trồng bông của Ấn Độ đã chuyển đổi sang canh tác bông hữu cơ. Chương trình trồng bông hữu cơ Ấn Độ (OCA) công bố báo cáo hằng năm cho thấy số lượng nông dân cam kết trồng bông hữu cơ ở nước này đã gia tăng đáng kể. Số lượng nông dân đã đăng ký tham gia OCA tăng gấp ba lần, với hơn 74.000 nông dân tham gia trong niên vụ 2021-2022 so niên vụ trước đó.
Financial Times dẫn lời ông Ranjit Prakash, điều phối viên dự án của OCA cho rằng, sự tăng trưởng này là do nhu cầu cao đối với bông có chứng nhận hữu cơ, cùng với chi phí đầu vào thấp hơn và các hỗ trợ mạnh mẽ cho các trang trại tiên phong chuyển đổi. Quá trình chuyển sang canh tác bông hữu cơ thường mất tối thiểu ba năm. Trong niên vụ 2021-2022, những nông dân bán bông được chứng nhận hữu cơ thông qua chương trình của OCA đã đạt được thu nhập ròng từ bông cao hơn 6% so các chủ trang trại trồng bông thông thường khác tại địa phương.
Ngoài ưu đãi đối với bông hữu cơ cao hơn so giá thị trường, các doanh nghiệp đã hỗ trợ hơn 4 triệu euro (4,26 triệu USD) trả cho nông dân đăng ký làm thành viên tham gia OCA nhằm tạo nguồn liên kết để thu mua hạt giống bông của họ. Ông Dipak, một nông dân thành viên OCA sống ở làng Kutki thuộc bang Maharashtra cho biết: “Tôi không muốn quay lại cách canh tác truyền thống vì phải đầu tư một khoản rất lớn cho phân bón và thuốc trừ sâu, việc làm này còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người nông dân và làm thoái hóa đất nông nghiệp. Tôi đã quyết định mở rộng canh tác hữu cơ cho tất cả các loại cây trồng khác ngoài bông nhằm bảo đảm chất lượng vùng nguyên liệu”. Ông Dipak đã thu hoạch 6.700kg nguyên liệu từ đồng bông hữu cơ trong mùa thu hoạch năm ngoái.
Theo ông Ruud Schute, Giám đốc chương trình OCA giải thích: “Việc mở rộng chương trình hỗ trợ của chúng tôi nhằm khuyến khích những nông dân đang tích cực chuyển đổi, phát triển tiềm năng của bông hữu cơ Ấn Độ và bảo đảm nông dân được đào tạo về tiêu chí đạt chứng chỉ hữu cơ, cũng như cam kết gắn bó lâu dài”.
Báo cáo thị trường bông hữu cơ năm 2020 cho thấy, Ấn Độ là nhà sản xuất lớn nhất trong số 19 quốc gia có dữ liệu từ các khu vực trồng bông hữu cơ được chứng nhận trên toàn thế giới. Trong bối cảnh các công ty dệt may đang có nhu cầu rất lớn với bông hữu cơ để đáp ứng những tiêu chí ngày càng cao đối với sợi vải, thì nguồn cung toàn cầu của bông hữu cơ còn chưa đáp ứng đủ. Việc gia tăng thu nhập cho nông dân và tạo điều kiện bảo đảm an sinh xã hội cho họ khi tham gia chuyển đổi sang canh tác hữu cơ đã làm nâng giá trị của ngành sản xuất bông Ấn Độ, mở rộng cơ hội cho quốc gia này dẫn đầu cung ứng một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng của ngành dệt may.