Chung quanh đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt

Bộ Tài chính đề xuất đưa đồ uống có đường (nước ngọt) vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt “với mức phù hợp”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét nhiều góc độ chung quanh đề xuất này, như thời điểm áp dụng, tiêu thụ nước ngọt ảnh hưởng sức khoẻ ra sao và các quy định liên quan khái niệm “đồ uống có đường”…
0:00 / 0:00
0:00
Đề xuất đưa đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đang được dư luận quan tâm. Ảnh: NGUYỆT ANH
Đề xuất đưa đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đang được dư luận quan tâm. Ảnh: NGUYỆT ANH

Tăng gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp?

Trong dự thảo tờ trình đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, Bộ này đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Trong đó, đề xuất đưa đồ uống có đường (nước ngọt) vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt “với mức phù hợp” đang được dư luận quan tâm.

Luận cứ được Bộ đưa ra là nhằm bảo vệ sức khỏe người dân theo khuyến nghị của WHO, cũng như chủ trương của Đảng, Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cơ quan này dẫn các số liệu cho thấy, tình hình tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam đã tăng mạnh, gấp bảy lần trong 15 năm, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và 50,7 lít/người năm 2018.

“Các nước đã dần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Nếu như năm 2012, chỉ khoảng 15 quốc gia áp thuế này, thì đến năm 2021 có ít nhất 50 nước thu thuế trên”, Bộ Tài chính dẫn chứng kinh nghiệm thế giới và cho biết, xét trong khu vực ASEAN, có sáu nước gồm Thailand, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt.

Đây là lần thứ 2 Bộ Tài chính đề xuất áp thuế TTĐB với nước ngọt. Năm 2014, Bộ này đã từng đề xuất áp mức thuế suất 10% nhưng nhiều bộ, ngành không đồng thuận. Bộ Công thương lo tác động tiêu cực tới triển vọng kinh doanh, trong khi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, luận cứ áp thuế chưa thật sự thuyết phục…

Song, lần này, đề xuất này tiếp tục nhận được tranh cãi gay gắt từ giới doanh nghiệp và chuyên môn. Nhiều hiệp hội doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống đã có văn bản góp ý với đề xuất này. Đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, nội dung đưa “đồ uống có đường” phải chịu loại thuế này chưa phù hợp. Bởi, “đồ uống có đường” được hiểu là gồm sữa, sữa dinh dưỡng cho trẻ em, sữa cho bà bầu...”. Đây là sản phẩm bổ dưỡng, sử dụng hằng ngày, việc đánh thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến đối tượng sử dụng… gián tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dùng”, theo Hiệp hội sữa Việt Nam.

Tương tự, Hiệp hội Lương thực, Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cũng mới có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành bày tỏ lo ngại về đề xuất trên. Theo đại diện FFA, dự thảo còn rất nhiều bất cập, chưa có đầy đủ cơ sở khoa học thuyết phục và hợp lý, khi mục tiêu chính là bảo vệ sức khỏe nhân dân, do tác hại của tình trạng thừa cân, béo phì và một số bệnh khác. Trong khi đó, khái niệm “đồ uống có đường” chưa được quy định đầy đủ trong bất kỳ văn bản nào. Nếu hiểu theo khái niệm đơn thuần, thì bao gồm cả sản phẩm có hại và có lợi. Do đó, đại diện FFA nhấn mạnh: Nếu không xem xét, nghiên cứu kỹ trước khi thông qua sẽ mang lại hệ lụy rất lớn cho sự phục hồi, phát triển của nhiều ngành hàng cũng như đời sống người dân.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cũng cho rằng, chúng ta cần cân nhắc thêm thời điểm phù hợp hơn, nhất là năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn hơn năm 2022. Trong bối cảnh, tín dụng, thắt chặt, lãi suất tăng cao, doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn, biến động giá thế giới còn là nỗi lo lạm phát, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân.

Thực tế, ông Nguyễn Văn Nam, một nhà phân phối các loại nước ngọt, nước giải khát khu vực miền bắc lo lắng, thị trường nước ngọt, nước giải khát sẽ tiếp tục chịu thêm cú sốc nếu chịu thêm thuế TTĐB, sau khi đã chịu tổn thất nặng nề sau gần ba năm Covid-19. “Việc đánh thuế sẽ làm tăng giá bán, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng, ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất, kinh doanh”, ông Nam nói và cho rằng, cần xem xét kỹ thời gian áp thuế theo đề xuất mới.

Nên đánh giá thêm, lùi thời gian áp dụng

Góp ý thêm, ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, việc áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt chưa nên làm ngay và cần lùi thời gian thêm 12 đến 18 tháng. Cơ sở để đưa ra kiến nghị này, theo ông Việt, Nhà nước cần có đánh giá cụ thể để xem xét thật thấu đáo, khách quan những vướng mắc hiện nay.

Vấn đề ông Việt muốn nhấn mạnh hiện nay là việc áp thuế này sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng lên do mức tăng thuế suất VAT áp dụng cho đường. Cộng các yếu tố lại sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng, giảm khả năng tiêu thụ, kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động... Và đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân - những người cung cấp các nguyên liệu như: mía, trái cây, rau quả, trà... Thậm chí, giá bán cao còn có khả năng dẫn đến hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển.

Mặt khác, theo ông Việt, Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng đưa ra quan điểm, nước ngọt không phải nguyên nhân gây bệnh béo phì. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này không giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì. Dẫn kinh nghiệm tại Anh, nước ngọt có tỷ lệ đường trong sản phẩm càng cao thì chịu thuế càng nhiều. Như đồ uống không đường, hoặc độ đường ít hơn 6% thì thuế suất là 0%... đại diện VBA góp ý, Bộ Tài chính nên tính thuế theo hàm lượng đường, điều này sẽ góp phần xây dựng thói quen, thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm của người dân.

Cũng bình luận về luận cứ trên, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, cần đánh giá rõ tiêu thụ nước ngọt có đến mức tạo ra mặt bằng chung về béo phì, tim mạch hay chưa. “Nếu thực tế chỉ một vài trường hợp do nghiện hoặc lạm dụng thì chưa thuyết phục để cần hạn chế tiêu dùng thông qua tăng thuế”, TS Việt nói.

Còn Hiệp hội Sữa Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính bổ sung “loại trừ sữa và sản phẩm từ sữa” trong dự thảo luật để tránh nhầm lẫn đánh thuế TTĐB lên sản phẩm dinh dưỡng cho sức khỏe. Ngoài ra chưa mở rộng đối tượng chịu thuế để không thêm gánh nặng cho người dùng, doanh nghiệp; chỉ đánh thuế đúng sản phẩm có chứng minh khoa học là có hại đúng với mục tiêu sắc thuế.

Trong dự thảo áp thuế TTĐB lần này, Bộ Tài chính còn đề xuất bổ sung áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường khác như thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá mới... Bộ này cũng đề nghị bổ sung đánh thuế TTĐB đối với trò chơi điện tử trực tuyến (game online)…