Chung quanh cảnh báo của EU về mì ăn liền

Vừa qua, việc một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) gửi cảnh báo, thu hồi, hoặc trả lại sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, hương vị ca-ri, bánh phở nhập khẩu từ Việt Nam do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, trong đó có vi phạm về chứa chất cấm ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng quy định của EU... khiến nhiều người đặt câu hỏi về vấn đề quản lý EO tại Việt Nam. Trước vấn đề này, chúng ta cần hiểu rõ hơn về quy định của thị trường EU.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp cần chủ động thiết lập hệ thống kiểm soát chỉ tiêu EO trong thực phẩm thông qua mạng lưới các cơ quan kỹ thuật. Ảnh: NAM ANH
Các doanh nghiệp cần chủ động thiết lập hệ thống kiểm soát chỉ tiêu EO trong thực phẩm thông qua mạng lưới các cơ quan kỹ thuật. Ảnh: NAM ANH

Về cảnh báo vượt dư lượng EO

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, EU có hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Hệ thống này cập nhật thường xuyên các vi phạm về an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của tất cả các quốc gia khi nhập khẩu vào EU. Từ tháng 1 đến ngày 22/7/2022, Hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU đã phát đi 2.531 cảnh báo về các sản phẩm của các quốc gia vi phạm quy định, trong số đó Việt Nam có 50 cảnh báo vi phạm quy định của EU.

Những cảnh báo đó thể hiện điều gì? Theo ông Nam, việc cảnh báo là để minh bạch thông tin, chứ chưa thể nói lên được về mặt chất lượng hàng hóa của một quốc gia. Bởi thực tế, với một chai nước mắm bị vỡ, hay một quả thanh long bị trầy vỏ... hệ thống này cũng sẽ phát ra cảnh báo mất an toàn thực phẩm.

Nói rõ về cảnh báo với sản phẩm mì ăn liền, ông Nam cho biết, theo thông báo của Malta thì sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia bị cảnh báo về lo ngại biến đổi gene, biện pháp thực hiện là giám sát và thu hồi sản phẩm. Sản phẩm mì ăn liền của Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) bị Ba Lan trả lại hàng, nhưng không nói rõ nguyên nhân. Còn mì ăn liền hương vị gà, hương vị cà-ri của Công ty CP thực phẩm Á Châu đã bị Cộng hòa Liên bang Đức cảnh báo vì chứa chất EO ở mức 0,036 ± 0,018 mg/kg, 0,024 ± 0,012 mg/kg, 0,021 ± 0,011 mg/kg.

Cảnh báo vượt mức EO như vậy liệu có tính nguy hiểm? TS Ngô Xuân Nam lý giải, mỗi quốc gia quy định ngưỡng cho phép và phân chia các chất khác nhau gồm EO và 2-chloroethanol. Chẳng hạn Mỹ, Canada quy định cao nhất là 7 mg/kg với chất EO và 940 mg/kg với 2-chloroethanol; trong khi Hàn Quốc chỉ quy định với 2-chloroethanol, ngưỡng 30 mg/kg trong thực phẩm thông thường và 10 mg/kg đối với thực phẩm cho trẻ sơ sinh. Chỉ riêng thị trường EU quy định cho cả hai chỉ tiêu này rất thấp, cùng ngưỡng 0,02 mg/kg.

Như vậy, có thể thấy, ngưỡng cho phép bao nhiêu là do tiêu chuẩn của từng nước. Bởi, với mức được tính là vi phạm ở EU thì còn rất thấp so ngưỡng cho phép của Mỹ, Canada... Do đó, trước vấn đề này, chúng ta cần hiểu đúng để tránh ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện nay, EU đang áp tần suất kiểm tra đối với sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam là 20%. Trong thời gian tới, EU sẽ xem xét giảm tần suất kiểm tra xuất khẩu vào EU, vì theo quy định sáu tháng EU sẽ họp một lần để xem xét mức độ vi phạm của các quốc gia để đưa ra biện pháp tăng hoặc giảm kiểm tra. Do vậy, việc một số doanh nghiệp vi phạm quy định vào thị trường EU sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực của các cơ quan trong việc thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào EU một cách thuận lợi nhất. “Qua sự việc này, cũng là dịp để doanh nghiệp phải rà soát lại quy trình sản xuất một cách kỹ lưỡng nếu vẫn muốn tiếp tục xuất khẩu sang EU”, TS Nam bày tỏ.

Quản lý EO tại Việt Nam

Về những cảnh báo thời gian qua, Bộ Công thương cho biết, Bộ đã phối hợp với các đơn vị chức năng khẩn trương vào cuộc để xác minh thông tin và nguyên nhân. Qua nhiều phiên làm việc với cơ quan chức năng của Hội đồng châu Âu, các đơn vị thuộc Bộ Công thương đã nêu quan điểm đề nghị EU thu hẹp phạm vi kiểm soát EO đối với các sản phẩm chế biến bột từ Việt Nam và hợp tác cung cấp các số liệu kiểm nghiệm để xác định tần suất xuất hiện EO trong sản phẩm mì, từ đó xây dựng kế hoạch giảm và loại bỏ các biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam.

Tuy vậy, trước thông tin các doanh nghiệp mới đây tiếp tục được đưa vào danh sách cảnh báo, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ để nâng cao các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, vượt qua rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường ngoài nước.

Còn về việc quản lý EO tại Việt Nam, Bộ Công thương cho hay, ngưỡng giới hạn cho phép chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm của Việt Nam. Do đó, khi có thông tin về cảnh báo liên quan tới sản phẩm năm 2021, các cơ quan quản lý nhà nước đã vào cuộc để xác minh thông tin và nguyên nhân, thông qua các hoạt động kiểm tra dây chuyền công nghệ và lấy mẫu giám sát chủ động trên diện rộng.

Đối tượng kiểm tra bao gồm các sản phẩm chế biến bột nói chung và các sản phẩm mì ăn liền nói riêng tại Việt Nam với ba nhóm chính: Nhóm sản phẩm sản xuất trong nước; nhóm sản phẩm nhập khẩu và nhóm sản phẩm xuất khẩu để kiểm nghiệm, đánh giá tính an toàn. Bộ Công thương cũng đã triển khai nhiều hoạt động tăng cường kiểm soát trong chuỗi cung ứng thực phẩm, như chủ động thiết lập hệ thống kiểm soát chỉ tiêu EO trong thực phẩm thông qua mạng lưới các cơ quan kỹ thuật, cơ sở kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước.