Nào cùng mua vui
Chợ rạng đông của làng chài bán hải sản mọc lên tại bãi tắm A, dưới chân đền Độc Cước. Chợ chỉ họp từ lúc 5 giờ sáng đến 6 giờ thì tan. Theo đó, chợ mang cái danh chưa sáng đã họp, mới nắng non đã tan. Hải sản còn ế, họ lại đưa ra chợ địa phương tiêu thụ. Đây không phải chợ được cấp phép hoạt động mà chỉ là bến thuyền neo đậu của ngư dân, nhưng khách du lịch ra đây ngắm bình minh, xem thuyền về, xem lưới cá rồi nảy sinh mua bán trong mỗi mùa hè.
Ngư dân Nguyễn Văn Bình mà nhiều người ở đây gọi Bình “ngọng”, cho hay: “1 giờ sáng vợ chồng tôi ra khơi khoảng gần cây số, thả lưới, 5 giờ sáng đã về đến bờ. Thật ra, chúng tôi tranh thủ về sớm để bán cho khách du lịch được giá cao hơn”.
Một mùa hè ở Sầm Sơn có lẽ là mùa kiếm sống dễ chịu nhất của nhiều người. Lượn qua những hàng bán hải sản, xem người mua đã mua được gì, chị Vũ Thị Liên, một khách du lịch, vừa livestream vừa giới thiệu: “Đây là một hình thức bán hàng truyền thống, chỉ mở ra trong mỗi dịp hè. Tôi đi hai buổi sáng rồi, chưa chán nhá”. “Đây, tôi đang ở chợ. Chợ nằm dưới chân núi đá bạn. Chợ bán cá tôm cua ghẹ tươi đành đạch”, chị Liên, chân bước, không quên “chém gió” trên livestream.
“Đi nhà hàng lắm cũng chán. Hải sản chất đầy kệ trong chợ cũng không hay bằng ra đây xem thuyền về, cá về, tôm tít thoát khỏi lưới muốn tung một cú nhảy ngược về biển. Và có nhiều con cá, con cua nhỏ không bao giờ ra chợ. Họ lược bỏ đi. Nhìn thấy mà thương con mèo ở nhà”- vẫn chị du khách luôn miệng thuyết minh cho livestream.
Cứ thế, livestream của chị Liên, tưởng toang toác, nhạt nhẽo, nhưng té ra có đủ chuyện Sầm Sơn, cả chuyện lề đường, xó chợ. Như chị nói về một địa danh khó hiểu là hòn đá bạn. Anh Nguyễn Văn Hùng chuyên hấp luộc hải sản cho khách hàng chỉ tay ngược núi Trường Lệ, giải thích: “Đó là hòn Trống Mái nhưng trong làng tôi nay gọi là đá bạn. Hòn Trống Mái hiện nay đã có phiên bản ở quảng trường biển Sầm Sơn. Và còn một hòn Trống Mái nữa ở Hạ Long, Quảng Ninh. Vì có quá nhiều trống - mái nên chúng tôi đổi tên cho nó dễ phân biệt”.
Một ông chủ của nhà hàng không tên kiêm bưng bê, nấu nướng nói xen vào: “Chứ gọi theo tên cũ thì lại phải giải thích Trống Mái trên núi, Trống Mái quảng trường rất là dài dòng nhiêu khê vì cùng một thành phố mà có tới hai hòn cùng tên Trống Mái”. Tất cả cùng cười nhìn qua màn hình điện thoại.
Trở lại câu chuyện chợ ăn theo mùa du lịch. Đoạn bờ biển ngắn, bãi tắm được khoanh vùng để ngư dân có chỗ neo đậu bè, thuyền. Tại đây cũng có quán nước nép vỉa hè, bán đêm. Buổi sáng sớm, họ làm thêm nghề đóng thùng đông lạnh hoặc nấu hải sản nếu khách du lịch muốn ăn luôn tươi ngon. Mỗi món hấp chín, tiền công 25 đến 35 nghìn đồng kèm ghế ngồi. Cá trích nướng than giá 100 nghìn đồng cho 3kg. Giá cá trích của ngư dân lưới lên cũng bán giá đó, 100 nghìn đồng/kg. Tạm tính 200 nghìn đồng cho một bữa cá nướng không đến nỗi căng. Dịch vụ này, ngoài tiền công, họ hy vọng bán thêm bia, nước ngọt, bánh tráng, bún, bánh cuốn ăn kèm tăng thêm thu nhập.
Nhìn theo thị trường, đây là chuỗi giá trị nhỏ của người đánh cá và người làm dịch vụ liên quan mật thiết với nhau. Nhìn cách ăn uống trò chuyện của du khách vào buổi sáng, thấy rõ sự hoan hỷ vì chưa phải trả tiền cho các công đoạn vận chuyển, sang tay lái buôn và thoải mái thời gian tán gẫu. Nhìn mặt người ngư dân cũng biết, họ vui vì bán cho khách du lịch được giá hời hơn bán cho thương lái thu gom.
Biển dài, bờ bến nhỏ
Những năm gần đây, nhiều bãi tắm đã quy hoạch lấn bến thuyền của ngư dân. Chuyện này cũng tạo ra nhiều mâu thuẫn, nay cũng đã được giải quyết ổn thỏa. Nhiều người đi biển mùa hè vẫn mong ước đến bờ biển vẫn còn hàng phi lao bên bờ cát, theo sở thích đó, khách đã tìm đến bãi tắm Hải Hòa (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), Xuân Thành, Thiên Cầm (Hà Tĩnh)...
Nói về chợ hải sản bên bờ biển, ở Đà Nẵng, Bình Thuận, Phú Quốc... cũng đều có và bán suốt ngày. Nhưng cảm nhận, nó kéo dài thời gian quá, lê thê suốt ngày sẽ không tạo ra sự hưng phấn, vội vàng tranh thủ, theo đó tính chất cũng khác. Mà cũng ít nơi, khách mua xong có thể thuê nấu nướng tại chỗ, để được hưởng độ dân dã bếp quê, bàn ghế gập ghềnh cùng hơi cát nồng mùi biển.
Về Sầm Sơn mùa hè cần một lời khuyên? Anh Nguyễn Văn Hùng chỉ tay về gành đá bên cạnh chợ hải sản, giới thiệu: “Ban ngày ngủ cho đỡ nắng, không động chạm vào chỗ đông người. 10 giờ tối ra đây. Ở gành đá có bàn nhựa, ghế nhựa ngồi uống bia ăn hải sản kèm xoài chua, dưa gỏi. Và nghe tiếng sóng vỗ tung tóe chân gành”.
Cái này không mới nhưng phải có bạn cùng mới vui. Anh Hùng bắt lời nhanh chóng: “Đúng rồi. Phải hợp ý, hợp cạ thì ngồi suốt đêm không mỏi. Đến sáng mà còn tỉnh táo, xuống chợ mua hải sản vào quán tôi nhậu tiếp. Nếu say, chỉ cần cho tôi biết khách sạn bạn ở, sẽ được đưa về tận nơi. Lo chi chuyện đó. Bán kính Sầm Sơn cũng hẹp thôi mà”.
Để đánh giá về chợ rạng đông, về không gian du lịch Sầm Sơn hôm nay, chúng tôi muốn gặp một người khó tính. Anh Mai Trường Sơn từ TP Thanh Hóa về Sầm Sơn dạy học hơn 30 năm, cho rằng: “Mua hải sản ở chợ này chỉ có khách du lịch. Chúng tôi đi xe máy qua chợ cuối bãi tắm C, giá mềm hơn”.
Nói về cái chợ hải sản tự phát này, anh Lê Đình Hữu, chủ một sạp hàng ở chợ Cột Đỏ (Sầm Sơn) cho hay: “Nó không ổn định về mặt chất lượng. Tôm cá không được phân loại, bảo đảm sự đồng đều như ngoài chợ chính thức”.
Mỗi năm một mùa làm ăn, tiếng tăm Sầm Sơn lâu nay là như vậy, theo cả nghĩa đen, nghĩa bóng.
Với anh Bình, một ngư dân, anh cho rằng: “Gặp khách du lịch, vợ tôi bán cơi lên một chút vì họ được chọn lựa thoải mái con to, con tươi. Cũng có thể những con tôm đó, ghẹ đó óp (ít) thịt. Có khuyên họ đừng nhặt nhưng họ vẫn cứ lấy. Ngoài chuyện mua bán, họ còn hỏi thăm gia cảnh, con cái, thu nhập mỗi đêm. Nó giống như lời động viên”. Với chị Liên, khách du lịch, chị bảo: “Nhìn thấy hải sản gỡ từ lưới nó đạt được niềm tin chưa bị ướp, ủ. Và đi chợ như đi chơi. Một trải nghiệm nho nhỏ trong chuyến nghỉ hè”.