Chờ phục hồi trong các quý tới

Tháng 4 chứng kiến sự suy giảm lần thứ năm liên tiếp ở lĩnh vực sản xuất trong sáu tháng qua. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn giữ tâm lý tích cực, phản ánh hy vọng rằng sự yếu kém về nhu cầu hiện tại sẽ chỉ là tạm thời, với sự phục hồi diễn ra trong suốt năm tới.
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 tăng 2,8% so cùng kỳ nhưng giảm nhẹ 0,3% so tháng trước. Ảnh: NGUYỆT ANH
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 tăng 2,8% so cùng kỳ nhưng giảm nhẹ 0,3% so tháng trước. Ảnh: NGUYỆT ANH

So với cùng kỳ năm 2022, doanh số bán lẻ trong bốn tháng đầu năm 2023 tăng 12,8%, trong đó doanh số bán lẻ trong tháng 4 tăng 11,5%. Sự tăng trưởng mạnh mẽ được thúc đẩy bởi ngành du lịch phục hồi, đặc biệt là từ số lượng khách du lịch nước ngoài. Trong tháng 4, Việt Nam đón gần 1 triệu lượt khách quốc tế, tăng 9,9% so với tháng trước. Tính chung bốn tháng đầu năm, cả nước đón 3,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Nhờ đó, mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch trong năm nay sẽ sớm hoàn thành.

Tuy vậy, tiêu dùng bán lẻ trong nước đang yếu, thể hiện qua doanh thu quý I/2023 thấp hơn của các công ty tiêu dùng hàng đầu như Sabeco hay Thế giới Di động, giảm lần lượt 15% và 26% so với cùng kỳ. Để kích cầu bán lẻ trong nước, Bộ Tài chính đã đề xuất cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các mặt hàng, dịch vụ đang chịu thuế 10%. Đây là biện pháp tích cực để duy trì lạm phát ổn định, kích thích tiêu dùng.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 tăng 2,8% so với cùng kỳ nhưng giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước. Các yếu tố chính tác động đến CPI vẫn là lương thực và thực phẩm (+3,6%) và nhà ở và vật liệu xây dựng (+5,2%). Giá lương thực và thực phẩm cao hơn (một phần ba rổ tính CPI) là do chi phí ăn ngoài. Điều này có liên quan đến sự quay trở lại của khách du lịch nước ngoài. Tương tự, giá thuê nhà tăng là nguyên nhân chính khiến giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng. Tuy nhiên, cả hai yếu tố đều có dấu hiệu đã đạt đỉnh giá. Chi phí vận tải (10% trong rổ tính CPI) giảm gần 4% so với cùng kỳ nhờ giá xăng, dầu giảm. Từ tháng 5, giá bán lẻ điện tăng 3% sẽ khiến giá nhà ở và vật liệu xây dựng tiếp tục ở mức cao. Nhưng nhờ thặng dư tài khóa lớn từ năm ngoái và từ bốn tháng đầu năm 2023, Chính phủ có nhiều dư địa để duy trì một số khoản trợ cấp, giúp kiềm chế lạm phát.

Về giải ngân vốn đầu tư công, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4/2023 là 110.633,6 tỷ đồng, đạt 14,66% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%); trong đó vốn trong nước đạt 16,03% (cùng kỳ năm 2022 đạt 19,57%), vốn nước ngoài đạt 6,28% (cùng kỳ năm 2022 đạt 3,25%). Với mức tăng trưởng GDP khá thấp trong quý I/2023, Chính phủ đang thúc đẩy các bộ tăng tốc chi tiêu.

Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 4/2023, Bộ đã ban hành Công văn số 3593/BTC-ĐT ngày 14/4/2023 gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trong đó đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và cơ quan kiểm soát thanh toán vốn về việc tăng cường quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại 1,5 tỷ USD trong tháng 4/2023 và 6,3 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm 2023, mặc dù xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm lần lượt là 11,8% và 15,4% so với cùng kỳ. Xuất khẩu giảm chủ yếu do thủy sản, hàng may mặc, giày dép và sản phẩm gỗ. Về nhập khẩu, máy tính điện tử và thiết bị máy móc (chiếm 37% tổng giá trị nhập khẩu) giảm lần lượt 19,6% và 15,3% so với cùng kỳ do các nhà sản xuất chưa kỳ vọng nhu cầu toàn cầu sẽ phục hồi trở lại. Sự sụt giảm trong nhu cầu toàn cầu gây tác động suy yếu tới lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất trong tháng 4/2023 giảm xuống 46,7 từ mức 47,7 của tháng 3. Chỉ số này suy giảm lần thứ 5 trong sáu tháng qua, với mức giảm mới mạnh nhất từ đầu năm đến nay.

Những khó khăn trong việc bảo đảm đơn đặt hàng mới được thể hiện qua sự sụt giảm hơn nữa trong tổng số giao dịch và đơn đặt hàng xuất khẩu mới vào đầu quý II. Tổng số đơn đặt hàng mới giảm nhiều hơn so với cùng kỳ, trong khi hoạt động kinh doanh xuất khẩu mới giảm với tốc độ nhẹ hơn. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm trong tháng thứ tư liên tiếp đồng nghĩa các doanh nghiệp có thể giải quyết đơn hàng tồn đọng. Trong khi đó, tồn kho thành phẩm tăng lên mức cao nhất trong hai năm. Các nhà sản xuất tiếp tục giảm bớt nhân sự, thông qua việc không thay thế những người nghỉ việc và cắt giảm việc làm để ứng phó với khối lượng công việc thấp hơn. Hiện tại, tốc độ thu hẹp sản xuất đang mạnh nhất trong một năm rưỡi trở lại đây.

Các doanh nghiệp cũng đang giảm quy mô mua đầu vào trong tháng 4. Đây là tháng thứ hai diễn ra tình trạng này. Sự sụt giảm nhu cầu ở đầu vào đã dẫn đến việc rút ngắn lần thứ tư liên tiếp thời gian giao hàng trung bình. Một số doanh nghiệp cũng báo cáo rằng điều kiện vận chuyển được cải thiện đã giúp cải thiện hoạt động của nhà cung cấp. Với việc mua đầu vào thấp hơn, lượng hàng mua dự trữ giảm lần thứ tư liên tiếp, có nghĩa là về tổng thể, tốc độ xả hàng là không đáng kể. Tuy nhiên, tâm lý tích cực phản ánh hy vọng rằng sự yếu kém về nhu cầu sẽ chỉ là tạm thời và sự phục hồi sẽ diễn ra trong suốt năm tới.

Tốc độ lạm phát chi phí đầu vào chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 4, giảm xuống mức thấp nhất trong chuỗi 35 tháng trong bối cảnh một số báo cáo về giá nguyên liệu thô giảm. Khi chi phí đầu vào tăng, các doanh nghiệp thường liên kết điều này với việc tăng giá liên quan đến nhiên liệu và dầu mỏ. Áp lực về chi phí giảm và nhu cầu thấp kết hợp với nhau dẫn đến giảm giá đầu ra, do đó chấm dứt chuỗi ba tháng lạm phát. Phí đã được hạ xuống trên các lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng, trung gian và đầu tư.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới sáu tháng thêm 50 điểm cơ bản vào cuối tháng 3, hầu hết các ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất huy động ở các kỳ hạn kể từ đầu tháng 4. Lãi suất huy động thấp hơn sẽ dẫn đến lãi suất cho vay giảm trong thời gian tới, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng vẫn dồi dào do NHNN ngừng rút tiền qua tín phiếu từ tháng 3 vì VND mạnh lên (+0,5% so với USD) và tăng trưởng tiền gửi hộ gia đình quay trở lại mức trước đại dịch Covid-19 (tăng 13,2% so với cùng kỳ).

Trong tháng 4, chỉ số VN-Index giảm 1,4%, thị trường chứng khoán biến động trong biên độ hẹp. Áp lực bán gia tăng trong tuần đầu tiên của tháng do một số nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đã chốt lãi sau đợt phục hồi vào tháng 3. Về mặt tổng thể, tâm lý thị trường đã được cải thiện nhưng con đường phục hồi sẽ mất thời gian và lãi suất vẫn còn cao. Hầu hết các công ty niêm yết đã công bố hoặc ước tính thu nhập quý I/2023, trong khi một số công ty đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên và đưa ra triển vọng cho cả năm 2023.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhờ các yếu tố kinh tế vĩ mô vững chắc như dòng vốn FDI, giải ngân vốn đầu tư công tăng, sự quay trở lại của khách du lịch quốc tế và doanh số bán lẻ dự kiến phục hồi trong các quý tới. Ngoài ra, với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản có thể phục hồi nhanh hơn dự kiến. Hiện tại, hầu hết các rủi ro đều đến từ những bất ổn bên ngoài liên quan đến diễn biến tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.