Chờ đợi ở bản “Cây Gạo”

Lầm lũi leo ngược con suối Cồ Dề, vẻ mệt mỏi, chán chường hiện rõ trên gương mặt khắc khổ của mấy người đàn ông bản Na Nghịu, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên).

Cây cỏ cũng không sống nổi trên cánh đồng bậc thang Na Nghịu.
Cây cỏ cũng không sống nổi trên cánh đồng bậc thang Na Nghịu.

Nghèo đất, khổ người

Nhìn những thửa ruộng bậc thang nứt nẻ, cỏ dại ken dày, ông Lò Văn Khôm buồn bã nói: “Mấy năm rồi ruộng đồng bỏ không, người bản Na Nghịu đã nghĩ đến việc đề nghị xin bỏ tên Na Nghịu, chứ bản Cây Gạo mà không nhiều gạo thì còn nghĩa lý gì?…”!

Và câu chuyện về lịch sử bản “cây gạo” với niềm tự hào của người dân bản “cây gạo” trong quá khứ chưa xa, như đưa chúng tôi ngược thời gian trở về thời điểm năm 1971. Ngày đó, ở bản cũ Pá Vạt đất chật người đông, nên mấy cặp vợ chồng trẻ đã làm lễ xin già làng cho phép đi tìm đất mới. Theo hướng già làng chỉ, họ đi ngược suối Cồ Dề rồi dừng bước dưới chân núi Na Nghịu. Những mái nhà đầu tiên dựng lên đều tựa lưng vào núi, hạt giống đem theo được gieo trên các khoảnh đất nằm ven suối Cồ Dề, sau năm nắng mười mưa đã cho những bông lúa trĩu nặng vàng ươm. Mừng vui khôn xiết, người bản mới lại đi về bản cũ nhờ già làng chọn tên đặt cho bản, vì người nào người ấy đều hết thảy băn khoăn đặt tên theo núi Na Nghịu hay theo suối Cồ Dề? Được già làng cắt nghĩa “Na Nghịu” là theo tiếng dân tộc Thái còn khi dịch ra tiếng phổ thông được hiểu là “cây gạo” nên mọi người nhất trí chọn tên bản Na Nghịu như ngày nay. “Khi chọn tên ấy, bố mẹ tôi và mọi người tin rằng, tên bản Na Nghịu thì con cháu muôn đời không lo thiếu gạo. Ấy vậy mà nay…”, ông Khôm bỏ dở câu chuyện như tránh phải nhắc đến một thực trạng buồn.

5 năm rồi người Na Nghịu bỏ ruộng. Với tổ tiên, dân bản Na Nghịu như người có lỗi bởi họ hiểu bỏ hoang ruộng đồng là tội lỗi, là phụ công người đổ nước mắt, mồ hôi vỡ đất khai hoang. Còn với hiện tại, dân bản Na Nghịu đã, đang đối diện với nguy cơ thiếu đói mỗi ngày. Cánh đồng ruộng bậc thang Na Nghịu mấy chục ha vốn ruộng mật bờ xôi vậy mà nay toàn một màu cỏ cháy. Cá dưới suối Cồ Dề bỏ đi hết; lúa ăn nước suối Cồ Dề còi cọc không bông; nhiều con trâu, con bò uống nước suối một thời gian rồi lăn ra chết. Quanh năm suốt tháng dòng suối Cồ Dề đục ngàu màu đất nhưng ngặt nỗi không phải đất đỏ phù sa mà là màu đất chết. Không biết rõ trong nước suối có gì song người dân Na Nghịu chắc chắn, nước suối Cồ Dề không thể thiếu thủy ngân - loại hóa chất làm giàu cho một số người làm vàng trên bản Háng Trợ, Cồ Dề nhưng làm nghèo người Na Nghịu hôm nay.

Chờ đợi ở bản “Cây Gạo” ảnh 1

Mầu nước suối Cồ Dề đục ngầu.

Ô nhiễm là thủ phạm!

Đưa chúng tôi đi một lượt trên cánh đồng Na Nghịu, anh Lò Văn Thưởng, Bí thư Chi bộ bản Na Nghịu, nói trong niềm tiếc nuối: Với diện tích 30 ha ruộng bậc thang cấy hai vụ, không năm nào Na Nghịu có người đói. Thóc gạo dân bản Na Nghịu làm ra cứ kìn kìn trên xe theo thương lái về xuôi. Có năm thời tiết bất thuận, người đói ở bản khác la liệt thì dân bản Na Nghịu lại đem thóc gạo tiếp tế cho anh em họ hàng ở bản gần, bản xa. Thế mà nay hộ đói, hộ nghèo ở Na Nghịu tăng, trong khi ruộng bậc thang Na Nghịu bỏ không đã 5 năm (tức mười vụ sản xuất). Có người bỏ công làm rãnh, bón thêm phân cũng không thấm tháp gì so sức tàn phá của nguồn nước ô nhiễm ở suối Cồ Dề. Cây lúa thương người nông dân cố mọc lên vậy mà khi mùa về chỉ cho toàn bông lép hạt khô. Bởi thế nên các chỉ tiêu kinh tế - xã hội ở Na Nghịu mấy năm nay cứ liên tiếp “số lùi”. Hộ giàu ở Na Nghịu tụt thành hộ khá; hộ có kinh tế khá thành hộ nghèo và hộ nghèo lại thêm tháng đói nhiều hơn.

Hỏi người nông dân Na Nghịu về giải pháp cứu ruộng mà bà con đã làm, tôi nhận được những cái lắc đầu… ngao ngán. Vì dân bản đã làm đủ mọi cách, như là: bắc nước từ khe khác về ruộng, bón thêm phân, đắp thêm đất vào các bờ ruộng mà vẫn không ngăn được sự thẩm thấu từ nước suối Cồ Dề. Hết cách xoay xở, dân bản Na Nghịu làm đơn gửi xã và kiến nghị đến huyện. Kỳ nào có đại biểu hội đồng về tiếp xúc cử tri, dân bản Na Nghịu cũng khẩn thiết kiến nghị làm rõ mức độ ô nhiễm từ nước suối Cồ Dề và sớm có giải pháp cứu cánh đồng Na Nghịu. Nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận hay biện pháp chính thức nào được đưa ra. Người Na Nghịu lại chờ đợi, hy vọng…

Đem những khó khăn, mong mỏi của người dân bản Na Nghịu trao đổi với ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, được biết, không chỉ người dân bản Na Nghịu mà chính quyền các cấp huyện Điện Biên Đông cũng bức xúc với thực trạng khai thác vàng trái phép ở Phì Nhừ. UBND huyện Điện Biên Đông đã nhiều lần cử các đoàn công tác về xã Phì Nhừ tuyên truyền, vận động người dân các bản Háng Trợ, Cồ Dề không tự ý đào, đãi vàng. Cùng với đó, huyện ưu tiên triển khai các mô hình sản xuất tại hai bản này để bà con học tập, làm theo. Nhưng ngặt nỗi, khi các đoàn công tác rời đi thì tình trạng đào quặng ở núi Phì Nhừ lại tái diễn. Tuyên truyền không được, vận động không xong, UBND huyện Điện Biên Đông phải chỉ đạo Công an huyện cử cán bộ về hai bản Háng Trợ, Cồ Dề xử lý nghiêm các trường hợp cố tình khai thác vàng “thổ phỉ”.

Cung cấp thêm thông tin về nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước sản xuất của bản Na Nghịu trong mấy năm qua, ông Vũ Ngọc Hoành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông cho rằng, cơ bản do tình trạng khai thác vàng nhỏ lẻ của người dân các bản Háng Trợ, Cồ Dề. Từ cuối năm 2015 khi Công ty cổ phần Molypen chính thức dừng khai thác vàng tại điểm mỏ Phì Nhừ thì một số hộ dân ở bản Háng Trợ, Cồ Dề đã mua máy nghiền quặng để làm vàng. Bột quặng, nước thải làm vàng người dân xả trực tiếp ra suối Cồ Dề, trong khi suối Cồ Dề là nguồn cấp nước tưới chính cho hai công trình thủy lợi của bản Na Nghịu, với tổng diện tích 30 ha lúa nước hai vụ. Do nguồn nước bị ô nhiễm nên toàn bộ vùng này nhân dân không sản xuất được lúa nước, diện tích lúa của bà con đã phải ngừng canh tác, gây khó khăn trong đời sống và sản xuất của 78 hộ dân với 367 nhân khẩu bản Na Nghịu, xã Phì Nhừ.

Trong khi người dân Na Nghịu khắc khoải chờ đợi tình trạng trên được giải quyết thì cánh đồng Na Nghịu vẫn tiếp tục khô cháy theo ngày tháng. Đời sống càng thêm phần khó khăn vì vẫn buộc phải “quay lưng” với chính những diện tích nương đồng từng nuôi sống nhiều thế hệ người dân Na Nghịu...