Chính sách trợ cấp chất bán dẫn của Mỹ

Nhằm lấy lại vị thế trong cuộc đua toàn cầu về sản xuất chất bán dẫn, Mỹ đã ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học, trong đó có khoản đầu tư công lên tới 39 tỷ USD nhằm khuyến khích các nhà máy sản xuất chip trong nước. Tuy nhiên, Hàn Quốc lo ngại các quy định mới của Washington có thể tạo thêm gánh nặng cho những công ty đang đầu tư vào Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Một cơ sở sản xuất chip bán dẫn của Samsung Electronics. Ảnh: The Korea Herald
Một cơ sở sản xuất chip bán dẫn của Samsung Electronics. Ảnh: The Korea Herald

Nỗ lực tìm lại vị thế của Mỹ

Chip là một bộ phận quan trọng được sử dụng cho các chức năng điều khiển và bộ nhớ của các thiết bị điện tử hiện đại, từ điện thoại thông minh, máy vi tính, cho tới ô-tô và nhiều sản phẩm khác. Tình trạng thiếu nguồn cung chất bán dẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sản xuất, kinh doanh, khiến cuộc đua nhằm tự chủ nguồn cung ứng chip trên thế giới ngày càng gay gắt hơn.

Tháng 8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học, với mục tiêu khôi phục vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, tạo thêm việc làm và bảo đảm an ninh kinh tế và an ninh quốc gia. Đạo luật đi kèm gói ngân sách 280 tỷ USD, trong đó riêng các khoản chi để kích thích ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước lên tới 39 tỷ USD, cùng 13,2 tỷ USD dành cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực.

Tháng 2/2023, Mỹ bắt đầu triển khai các chương trình trong khuôn khổ Đạo luật CHIPS và Khoa học. Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo các tiêu chí cụ thể để các công ty có thể nhận được những khoản trợ cấp cho hoạt động sản xuất chip. Các nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ như Intel, Micron Technology, Texas Instruments... đều đã công bố kế hoạch mở rộng sản xuất. Theo Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn của Mỹ, hơn 40 dự án được công bố với các khoản cam kết đầu tư gần 200 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất mới.

Theo quy định của Đạo luật CHIPS và Khoa học, để nhận được trợ cấp từ chính phủ liên bang, các công ty đăng ký cần đáp ứng hàng loạt điều kiện. Nếu muốn nhận khoản trợ cấp hơn 150 triệu USD, các công ty phải công khai kế hoạch đầu tư cụ thể, bao gồm cả dòng tiền, lợi nhuận và trao cho các cơ quan giám sát của Mỹ quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu trong hoạt động sản xuất. Đối với các công ty sản xuất chip của nước ngoài như các công ty của Hàn Quốc, đây rõ ràng là yếu tố nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến bí mật công nghệ.

Liên quan vấn đề an ninh quốc gia, Mỹ không khuyến khích các doanh nghiệp có ý định tăng quy mô sản xuất và đầu tư ở “các quốc gia đáng lo ngại về an ninh”. Thay vào đó, các doanh nghiệp phải cam kết sẽ đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ trong tương lai, bao gồm chương trình nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp khác tại Mỹ.

Chính sách trợ cấp chất bán dẫn của Mỹ ảnh 1

Mỹ đang tăng tốc sản xuất chip bán dẫn trong nước. Ảnh: CNN

Vai trò của Hàn Quốc

Theo Cục Nghiên cứu quốc gia về châu Á (NBR) của Mỹ, Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Trong khi châu Âu và Nhật Bản đóng vai trò lớn trong việc sản xuất các thiết bị và hóa chất cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn, thì Hàn Quốc là nhà sản xuất không thể thiếu ở mắt xích cuối trong quy trình sản xuất, bao gồm một số chip tiên tiến nhất thế giới.

Hai nhà sản xuất lớn nhất của Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix chiếm 17% thị phần toàn cầu và là nhà sản xuất các loại chip bộ nhớ thống trị toàn cầu. Dựa trên dữ liệu từ năm 2022, Samsung Electronics và SK Hynix chiếm khoảng 50% thị phần toàn cầu về chip bộ nhớ flash NAND. Ở mảng DRAM, hai hãng này thậm chí còn áp đảo hơn khi chiếm gần 70% thị phần toàn cầu.

Hàn Quốc cũng đóng vai trò là nhà chế tạo phi sản xuất quan trọng trong ngành chất bán dẫn, với 18% thị phần. Các công ty Hàn Quốc được đánh giá là có công nghệ tiên tiến trong ngành. Theo McKinsey, 37% năng lực sản xuất chất bán dẫn nhỏ hơn 10 nanomet của thế giới là ở Hàn Quốc, giúp nước này có khả năng sản xuất những con chip tiên tiến nhất thế giới.

Ngoài ra, chất bán dẫn là một phần quan trọng trong hợp tác giữa Mỹ và Hàn Quốc. Năm 2021, hai nước nhất trí hợp tác về nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng đầu ở cả hai nước. Thỏa thuận này bao gồm các cam kết trị giá hàng tỷ USD từ phía các công ty Hàn Quốc để xây dựng các nhà máy chế tạo chất bán dẫn tại Mỹ. SK Hynix đã thông báo về khoản đầu tư 15 tỷ USD vào một nhà máy chip tiên tiến và cơ sở nghiên cứu, phát triển tại Mỹ. Samsung Electronics Co Ltd của Hàn Quốc đang xây dựng nhà máy chip ở Texas với chi phí ước tính lên tới hơn 25 tỷ USD. Samsung cũng đang xem xét khoản đầu tư lên tới 200 tỷ USD vào 11 nhà máy tại Mỹ.

Ở cấp độ chính phủ, tại cuộc gặp cấp cao Mỹ-Hàn năm ngoái, hai nước đã đồng ý thiết lập cơ chế đối thoại cấp bộ trưởng về thương mại và chuỗi cung ứng, trong đó chất bán dẫn là một trong những nội dung quan trọng tại các cuộc thảo luận.

Quan ngại của đối tác hàng đầu

Theo Reuters, Hàn Quốc đang đề nghị Mỹ xem xét lại các tiêu chí về trợ cấp dành cho các nhà sản xuất chất bán dẫn. Hàn Quốc, nhà sản xuất chip hàng đầu và cũng là nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực chất bán dẫn tại Mỹ, đề nghị chính quyền Washington xem xét lại quy định không cho phép bên nhận ngân sách tài trợ xây dựng các cơ sở mới vượt 5% công suất hiện tại ở những quốc gia thuộc diện mà Mỹ cho rằng, đáng lo ngại về an ninh. Nhiều công ty sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc đã rót hàng tỷ USD vốn đầu tư cho việc xây dựng những nhà máy mới ở một số quốc gia thuộc diện đáng lo ngại theo quan điểm của Washington.

Phía Hàn Quốc lo ngại các điều khoản mang tính bảo vệ này của chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể tạo thêm “gánh nặng vô lý” cho những công ty đang đầu tư vào Mỹ. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết, Seoul đã đề nghị nâng mức giới hạn theo quy định trên từ 5% lên 10% công suất hiện tại.

Mặc dù cam kết hợp tác với Mỹ về chất bán dẫn, Hàn Quốc vẫn lo ngại về chính sách của Mỹ và những tác động của nó đối với ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và hoạt động của các công ty Hàn Quốc nói chung. Những công ty này rất quan trọng đối với nền kinh tế Hàn Quốc, vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại. Xuất khẩu chiếm 42% GDP và chất bán dẫn là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm gần 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022.

Hàn Quốc đang tích cực thực hiện các biện pháp để bảo vệ tương lai lâu dài của một ngành công nghiệp quan trọng đối với nền kinh tế. Quốc hội Hàn Quốc gần đây đã thông qua Đạo luật K-CHIPS, theo đó sẽ giảm 15% mức thuế cho các công ty lớn và giảm tới 25% mức thuế cho các công ty nhỏ hơn đầu tư vào cơ sở sản xuất chất bán dẫn. Đạo luật cũng sẽ giảm thuế từ 30% đến 40% cho hoạt động nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn của các công ty lớn và lên tới 50% cho các công ty nhỏ. Sự chồng chéo trong quy định giữa các bộ, ngành liên quan sản xuất chất bán dẫn cũng được giảm bớt.

Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầy tham vọng xây dựng cụm cơ sở sản xuất chất bán dẫn có quy mô hàng đầu thế giới bên ngoài Thủ đô Seoul. Samsung cam kết sẽ rót khoản đầu tư trị giá 228 tỷ USD từ nay đến năm 2042, trong đó có việc xây dựng năm nhà máy sản xuất mới. Bên cạnh những sáng kiến ​​trong nước, thông qua cơ chế đối thoại về thương mại và chuỗi cung ứng, cũng như các cuộc gặp gỡ với các quan chức chính quyền Mỹ, Seoul tiếp tục tích cực thảo luận về những lo ngại liên quan đến Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ.