Chính vì vậy, HD SAISON, công ty tài chính (CTTC) thuộc nhóm “bộ tam” (cùng với FE Credit, Home Credit), chỉ cần có lợi nhuận đi ngang cũng đã đủ vượt qua FE Credit, khi có lãi trước thuế của năm 2021 đạt 1.001 tỷ đồng. Biến động trên bảng xếp hạng lợi nhuận giữa các CTTC trong năm 2021 phát ra nhiều tín hiệu đáng chú ý trong ngành này thời gian sắp tới. Theo thông tin từ phía MB thì M-Credit ghi nhận khoản lãi trước thuế 601 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng lên đến 87%.
Trước tiên cần nói rằng, cơ hội có lãi “trăm tỷ đồng” hay “nghìn tỷ đồng” trong lĩnh vực TCTD chia đều cho khá nhiều đơn vị trong ngành, nghĩa là không quá khó. Dù có đơn vị công bố, đơn vị không, nhưng nếu hỏi những người có thâm niên làm việc trong ngành TCTD sẽ biết có những công ty tên tuổi có vẻ không nổi bật lắm nhưng công bố lãi hằng năm lên đến hơn trăm tỷ đồng. Nên nhớ rằng, thường tên tuổi không “nổi” nghĩa là nhân sự cũng không quá nhiều, chi phí làm thương hiệu cũng thấp, nhưng có thể lãi hàng trăm tỷ đồng chứng tỏ hai điều là hiệu quả hoạt động của CTTC rất cao và ngành TCTD cũng có rất nhiều dư địa để khai thác.
Nhưng từ chỗ gặt hái được lợi nhuận trăm tỷ đồng hay nghìn tỷ đồng đến việc duy trì lại là thách thức cực lớn cho các CTTC, mà cụ thể là vấn đề chiến lược. Trong khoảng một thập kỷ qua, vị thế của các CTTC đều gắn với một chiến lược nào đó mang tính bước ngoặt. Chẳng hạn, chiến lược cho vay tiêu dùng, nhất là trong mảng điện máy điện thoại, lãi suất 0% được bộ ba CTTC lớn kể trên triển khai rầm rộ hơn nửa thập kỷ trước. Sau đó, FE Credit đẩy mạnh cho vay tiền mặt, Home Credit triển khai số hóa hệ thống, còn HD SAISON vài năm trước đã rút dần nhân viên của mình, thay vì cố định tại các cửa hàng của Thế giới di động, Điện máy xanh chuyển về trạng thái hỗ trợ, phục vụ khách hàng linh hoạt hơn. Và chiến lược này coi như đi trước một bước vì không lâu sau đó, Thế giới di động và Điện máy xanh đã chuyển các nghiệp vụ liên quan đến vay tiêu dùng cho chính nhân viên của mình thực hiện hoặc tiến hành số hóa.
Còn việc vẫn có thể giữ được lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, bất chấp những rủi ro mà hai năm Covid đem lại của HD SAISON, có lẽ nằm ở việc CTTC này tiếp tục duy trì sự thận trọng, cân đối trong hoạt động. Thay vì tập trung phát triển một mảng nào đó (all in), chẳng hạn tiền mặt, hoặc tập trung giành thị phần bằng được, HD SAISON lại có bố cục khá cân đối trong các mảng xe máy, điện thoại, điện máy, tiền mặt và luôn dành ra một dư địa cho phép để phát triển những sản phẩm mới kiểu cho vay giáo dục. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng chiến lược này sẽ phải chịu những áp lực nhất định trong điều kiện thị trường bình thường, có những đơn vị khác “all in” và vượt lên, tất nhiên đơn vị thận trọng hơn sẽ chịu áp lực tăng trưởng. Nhưng HD SAISON, với một đội ngũ nhân sự cao cấp cũng khá đa dạng về xuất phát điểm, chẳng hạn từ lĩnh vực kiểm toán, vốn đề cao sự thận trọng và từ mảng kinh doanh ngân hàng, vốn khá nhạy bén trong việc nắm bắt cơ hội, lại có thời gian gắn kết với nhau lâu dài, đã tạo ra một sự thay đổi về xếp hạng lợi nhuận rất ngoạn mục, nhưng lại rất nhẹ nhàng.