Châu Phi đối mặt nhiều thách thức

Các cuộc khủng hoảng an ninh và lương thực ngày càng sâu sắc đã chi phối chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao thường niên Liên minh châu Phi (AU), diễn ra từ ngày 17-19/2 tại Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Nhằm giúp “lục địa đen” không bị tụt hậu trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, LHQ và giới AU đã đề ra những sách lược mới, trong đó nhấn mạnh tới sự trợ giúp của toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MARCO DE ANGELIS
Biếm họa: MARCO DE ANGELIS

Tại hội nghị, hơn 30 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước trong khu vực châu Phi đã thảo luận một loạt thách thức mà lục địa này đang phải đối mặt. AP dẫn một báo cáo của LHQ cho hay, châu lục này đang vật lộn với đợt hạn hán kỷ lục gây mất lương thực nghiêm trọng ở vùng Sừng châu Phi, cũng như tình trạng bạo lực nghiêm trọng ở khu vực Sahel và miền đông CHDC Congo. Hội nghị cấp cao AU diễn ra nhằm giải quyết những vấn đề trên cũng như thúc đẩy hiệp định thương mại tự do khu vực vốn đang bị đình trệ.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Guterres đã kêu gọi các quốc gia châu Phi “hành động vì hòa bình”, cho rằng lục địa với 1,4 tỷ dân này đang đối mặt “những thử thách to lớn trên hầu hết các mặt trận”. Theo ông Guterres, thế giới đang phải đương đầu nhiều thách thức liên quan đến nhau, trong đó châu Phi đối mặt những khó khăn lớn. Ông cũng cho rằng, hệ thống tài chính toàn cầu không công bằng và kém hiệu quả khi bỏ mặc các nước đang phát triển, tình trạng bất bình đẳng sâu sắc cũng như nguồn lực để phục hồi sau đại dịch Covid-19 ít ỏi là những thách thức chính mà châu Phi đang phải trải qua.

Theo Tổng Thư ký LHQ, các nước đang phát triển cần được “lắng nghe” nhiều hơn trong các tổ chức toàn cầu, trong đó có cả Hội đồng Bảo an LHQ và các tổ chức tài chính quốc tế. Ông Guterres nhấn mạnh, các ngân hàng phát triển đa phương cần chuyển đổi mô hình kinh doanh và áp dụng cách tiếp cận mới để giúp thu hút thêm dòng vốn tư nhân vào lục địa châu Phi. Trong khi các quốc gia châu Phi chịu ít trách nhiệm nhất đối với các cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra, thì người dân trên khắp lục địa này lại đang phải hứng chịu những tác động tàn khốc nhất với các trận lũ lụt, các đợt hạn hán và nạn đói.

Tại hội nghị, Ủy viên AU về nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế xanh và môi trường bền vững, bà Josepha Sacko, đã kêu gọi chính phủ các nước châu Phi huy động các nguồn lực bền vững để tài trợ cho nông nghiệp ở nước mình nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng của người dân, đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo châu Phi thực hiện các cam kết trong tuyên bố Malabo 2014. Phát biểu ý kiến với báo giới bên lề Hội nghị cấp cao AU, bà Sacko cho biết, AU đang muốn nhấn mạnh rằng, phần lớn các quốc gia thành viên không đầu tư 10% ngân sách quốc gia vào nông nghiệp và đang “đứng ngoài cuộc chơi”. Họ không điều chỉnh kế hoạch phát triển quốc gia hoặc kế hoạch đầu tư quốc gia của mình cho phù hợp chính sách chung của châu Phi.

Theo bà Sacko, trung bình cứ bốn người ở châu Phi thì có một người phải đối mặt nạn đói trầm trọng khi đại dịch Covid-19 tấn công mạnh vào lục địa này vào năm 2021. Các nước châu Phi cần phải chuyển đổi nền nông nghiệp và nuôi sống người dân của mình trong thời kỳ khó khăn này bằng cách đầu tư ít nhất 10% ngân sách quốc gia của họ vào nông nghiệp bao gồm phát triển chăn nuôi, thủy sản và cây trồng.

Hội nghị cấp cao AU lần này hướng tới mục tiêu đẩy nhanh việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA), được các quốc gia châu Phi ký kết vào tháng 7/2019 sau 17 năm đàm phán và bắt đầu được thực thi từ ngày 1/7/2020. AfCFTA được coi là lớn nhất thế giới xét về quy mô dân số, quy tụ 54 trong số 55 quốc gia châu Phi, với Eritrea là nước duy nhất không tham gia. Thương mại nội khối châu Phi hiện chỉ chiếm khoảng 15% tổng thương mại của châu lục này với thế giới. Do đó, AfCFTA được kỳ vọng sẽ đưa nâng mức này 60% vào năm 2034 khi hầu hết các loại thuế quan được bãi bỏ. Tuy nhiên, việc thực hiện AfCFTA đã vấp phải một số rào cản, bao gồm những bất đồng về các mức cắt giảm thuế quan và tình trạng đóng cửa biên giới do đại dịch Covid-19.