ChatGPT - Thách thức và cơ hội cho người trẻ

Tại hội thảo “Đổi mới dạy - học với ChatGPT và Trí tuệ nhân tạo” do Trường đại học Quốc tế Sài Gòn vừa tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì né tránh, người trẻ cần biết cách sử dụng công nghệ giúp cho việc học tập, nghiên cứu trở nên khoa học, hiệu quả hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Một số trường đại học đang quan tâm việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục.
Một số trường đại học đang quan tâm việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục.

Những tác động của ChatGPT

Thông tin từ Diễn đàn kinh tế thế giới mới đây cho biết, chỉ trong vòng 5 năm tới sẽ có khoảng 45% công việc không cần kỹ năng cao sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo. Trong bài phân tích của mình, TS Lê Đặng Trung, Giám đốc điều hành Công ty Real -Time Analytics cho hay, vài năm nữa, nhiều ngành rất được quan tâm hiện nay như Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Dịch vụ giáo dục, Dịch vụ tài chính, Dịch vụ sáng tạo và tiếp thị nội dung, Sản xuất âm nhạc, Sản xuất phim, Thiết kế thời trang… cũng khó thoát khỏi sức ảnh hưởng của ChatGPT nói riêng hay trí tuệ nhân tạo nói chung.

ChatGPT, một sản phẩm công nghệ vừa ra đời vài tháng đã tạo nên sự tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, trong đó giáo dục và thị trường việc làm. Mới đây, những dẫn chứng về khả năng tổng hợp thông tin, tương tác, thực hiện các lệnh trên văn bản mà ChatGPT thực hành khá nhuần nhuyễn trong phần trình bày của PGS, TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán (Trường đại học Tự nhiên, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tại hội thảo cũng khiến nhiều người… ngạc nhiên.

Thay vì tự viết bài tham luận trình bày tại hội thảo, PGS Điền đã giao việc này cho ChatGPT. Kết quả, ông nhận lại bài tham luận dài khoảng 2.000 từ, trình bày dưới hình thức song ngữ. PGS Điền cho biết, chính bản thân ông còn bất ngờ với khả năng của ứng dụng này vì không phải chỉnh sửa gì. Ứng dụng viết tiếng Việt đã hay, tiếng Anh còn hay hơn. Khi ông yêu cầu đọc bài tham luận, ChatGPT lập tức thực hiện ngay. Bài luận được trình bày chặt chẽ với các mục rõ ràng, đáp ứng đúng yêu cầu mà vị phó giáo sư này đề ra trước đó. Ông quyết định đưa ChatGPT vào phần ghi tên tác giả bài tham luận.

Theo chuyên gia này, vì được huấn luyện trên mô hình “ngôn ngữ lớn” nên ChatGPT có thể kết nối, giao tiếp để cung cấp đến người dùng những thông tin gần nhất. Câu hỏi càng chi tiết thì đầu ra càng chính xác, giúp người dùng tiết kiệm được rất nhiều thời gian tra cứu, tổng hợp và sàng lọc thông tin.

Cập nhật cách học theo xu thế mới

Theo GS, TSKH Hoàng Văn Kiếm, Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường đại học Quốc tế Sài Gòn, với những gì thể hiện ở phiên bản còn “non trẻ” như hiện nay, ChatGPT cũng đủ cho thấy khả năng thay thế con người trong nhiều công việc. Công nghệ sẽ liên tục phát triển, ChatGPT cũng không ngoại lệ.

Trong thời gian tới, sẽ có những phần mềm, ứng dụng cao cấp hơn ChatGPT, do đó, nếu cả người dạy lẫn người học biết tận dụng sự hỗ trợ của công nghệ thì sẽ học được nhanh và nhiều hơn, đúng và tốt hơn. Thay vì hỏi “Học ngành nào không thất nghiệp?”, người trẻ nên thay bằng câu “Học như thế nào để không thất nghiệp?”.

Với những tính năng hiện có, ChatGPT đủ khả năng trở thành trợ thủ cho cả người dạy và người học khi có thể hỗ trợ giảng viên soạn giáo án, ra đề thi, chấm bài, đánh giá, tự động phản hồi người học. Ứng dụng này cũng có khả năng tạo ra các tài liệu học tập “cá nhân hóa” phù hợp với nhu cầu và trình độ của từng sinh viên, đồng thời giúp bạn trẻ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hỏi đáp, thảo luận về các chủ đề liên quan đến môn học. Tuy nhiên, ông Điền cho rằng, việc phụ thuộc quá nhiều vào trí tuệ nhân tạo và ChatGPT có thể làm giảm sự tương tác giữa người dạy và người học. Tính minh bạch, công bằng trong giáo dục cũng có thể bị ảnh hưởng nếu không có sự chừng mực trong tận dụng lợi thế công nghệ.

Vì vậy, muốn tận dụng tối đa lợi thế từ ChatGPT và trí tuệ nhân tạo, theo các chyên gia, trước hết công tác đào tạo, tập huấn cho giảng viên cần được chú trọng để mỗi thầy cô đều nắm vững kiến thức, kỹ năng liên quan đến lĩnh vực này. Nên phối hợp giữa giảng viên và trí tuệ nhân tạo trong quá trình dạy - học để bảo đảm chất lượng giáo dục và môi trường phát triển đầy đủ kỹ năng của sinh viên trong môi trường đầy đủ sự tương tác trực tiếp. Quá trình ứng dụng công nghệ cần đi kèm với việc đánh giá, cải tiến liên tục nhằm có sự điều chỉnh phù hợp trong phương pháp, chương trình dạy - học.