Chàng trai Thái trên đất đỏ Đăk Hà

Cùng gia đình đến Kon Tum khi còn nhỏ, lớn lên, chàng trai người dân tộc Thái Lương Văn Thủy đã biết nắm bắt những cơ hội đến với mình và biến nó thành thành quả. Hơn 10 năm qua, anh Thủy đã làm được những điều tuy nhỏ nhưng thiết thực với người dân sống chung quanh.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Thủy luôn cần mẫn với kinh tế gia đình và nhiệt tình với các hoạt động xã hội.
Anh Thủy luôn cần mẫn với kinh tế gia đình và nhiệt tình với các hoạt động xã hội.

1/ Khi còn nhỏ, bước chân còn chưa đi hết đỉnh núi, ngọn đồi quê mình. Quê cũ của anh Lương Văn Thủy là xã Mường Min, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Những năm đó tình trạng thiếu đói, thiếu việc làm nên nhiều gia đình người Thái quyết tâm rời quê vào thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà (Kon Tum) làm kinh tế mới.

Gia đình ổn định cuộc sống mới, anh Thủy cũng lớn lên ở đây. Quê hương cũ chỉ là câu chuyện kể của cha mẹ nhưng đó là bài học để anh so sánh rằng, đây là vùng đất có nhiều cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp nếu chăm chỉ, chịu khó. Sau khi lập gia đình, được bố mẹ bàn giao toàn bộ diện tích đất sản xuất, anh bắt tay vào “tái cơ cấu” lại mô hình kinh tế với các loại cây cà-phê, hồ tiêu kết hợp trồng xen cây ăn trái và rau màu, cây dược liệu theo hướng “lấy ngắn nuôi dài”. Kinh nghiệm nối tiếp, thành quả thu được đã giúp anh vươn lên làm giàu chính đáng với mức thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Cũng từ đây anh có được cơ hội giao lưu, học hỏi, tiếp xúc nhiều với các mô hình canh tác mới thay vì lối canh tác độc canh truyền thống như bao người dân trong thôn để mạnh dạn đầu tư sản xuất.

Năm 2011, thôn Thanh Xuân vẫn thuộc xã Đăk Ui, hoạt động của các đoàn thể nói chung và hội nông dân nói riêng còn cầm chừng, chưa thu hút được hội viên tham gia. Thời điểm này, nông dân sản xuất giỏi Lương Văn Thủy được bầu làm Chi hội trưởng nông dân thôn. Với sự năng nổ và nhiệt tình của người chi hội trưởng, việc tập hợp, thu hút hội viên tham gia vào các hoạt động hội nhanh chóng được cải thiện.

“Không chỉ đi đầu trong mọi hoạt động công tác hội, anh Thủy đã tìm tòi nhiều giải pháp để hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất. Từ đó, phong trào nông dân giúp nhau phát triển kinh tế, thi đua sản xuất giỏi tại thôn Thanh Xuân đã gặt hái nhiều kết quả tích cực. Những năm gần đây, thôn không còn hội viên nghèo, thay vào đó là các mô hình kinh tế tổng hợp, trang trại khép kín với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm được hình thành và phát triển. Đặc biệt, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được đông đảo hội viên và người dân trong thôn hưởng ứng”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Ngọk Mai Trung Hiếu nhận xét.

2/ Anh Thủy cho hay, hiện nay thôn có bảy nhóm dân cư thì cả bảy nhóm đều thành lập các tổ đổi công với số lượng ít nhất cũng được 10 hội viên/tổ. Qua đó, vừa giúp giải quyết tốt nhu cầu lao động vào thời điểm mùa vụ, vừa là môi trường để các hội viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, gương mẫu đi đầu trong phong trào nông dân, anh Thủy còn là người chủ động tiếp cận các chủ trương của tỉnh, huyện gắn với thế mạnh của địa phương để cải tạo vườn tạp, xen canh và phát triển các loại cây dược liệu. Cụ thể, với sự định hướng của anh Thủy, hiện nay bà con nhân dân thôn Thanh Xuân đã phát triển hàng chục ha gừng, nghệ tại địa bàn và thuê lại đất dôi dư của các địa phương khác đưa cây gừng vào trồng xen. Với việc bảo đảm được đầu ra ổn định, hứa hẹn năm nay sẽ là một năm bội thu cho những người nông dân dám nghĩ, dám làm với cây gừng nói riêng và dược liệu nói chung.

Bên cạnh trách nhiệm của người cán bộ hội nông dân, là một đảng viên, anh Thủy luôn xác định việc học tập và làm theo Bác là công việc lâu dài, xuyên suốt và phải thực hiện bằng những việc làm cụ thể. Từ đó anh đã đề ra các mục tiêu để tiếp tục cố gắng, không ngừng học hỏi cách làm hay, mô hình sản xuất có hiệu quả nhằm khai thác tiềm năng của địa phương, góp phần xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp.

Trực tiếp tham gia sản xuất và am hiểu về nông nghiệp, nông thôn. Cùng với nhận thức sâu sắc trong việc học tập và làm theo lời Bác, những điển hình như anh Thủy đã vượt qua hình ảnh cũ về “người nông dân chân lấm tay bùn” để góp phần xây dựng, củng cố vai trò của người trẻ làm chủ sản xuất trong thời đại mới.