Có tin thì quảng cáo của nhà mạng, có tin thì thông báo dịch vụ gói cước sắp hết hạn. Rồi thì số máy 0943740… mời mọc: Em nhận làm dịch vụ hồ sơ thi bằng lái xe ô-tô, xe máy; sổ đỏ và sổ hồng cùng các loại giấy tờ. Liên hệ tại nhà. Cùng với lời nhắn, là số điện thoại để liên hệ.
Phần lưu trữ tin nhắn trong điện thoại của anh Hưng còn có tới ba tin nhắn từ ba số máy khác nhau với nội dung này và cũng với số điện thoại liên hệ như nhau.
Tương tự, chị Ngọc Diệp trong ngày cuối tuần cũng liên tục bị “bom” tin nhắn từ một tài khoản sxdhxbet739@... tự giới thiệu là trưởng phòng nhân sự của một công ty, tuyển nhân viên làm việc bán thời gian, thậm chí làm việc tại nhà với mức lương “15 triệu đồng đến 30 triệu đồng một tháng, trung bình 500.000 đến 1 triệu đồng/ngày”. Kèm theo đó, kẻ nhắn tin để lại số điện thoại, zalo “lạ hoắc”.
Quả thật, không ai thiện cảm với những tin rác nhắn cứ “nhảy” vào điện thoại của mình. Thậm chí, vừa đi máy bay có ngay tin nhắn chào mời sử dụng xe chung cho tiết kiệm. Thời gian gần đây còn xuất hiện những cuộc gọi lừa đảo tinh vi hơn. Đó là những cuộc gọi giả danh cơ quan công an, thông báo vi phạm giao thông; giả danh công ty chuyển phát thông báo việc trúng thưởng, hay giả danh những nhãn hàng, ngân hàng để lừa đảo những người nhẹ dạ chuyển tiền vào tài khoản lạ. Không ít người, vì chủ quan, lại tin vào những lời “đường mật” về món quà “đắt tiền” ở đâu đó mà không ngần ngại chuyển khoản từ vài chục triệu đến gần tỷ đồng cho người lạ. Đến khi nghi ngờ mình bị kẻ xấu trục lợi, báo công an thì… mọi sự đã rồi.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền phòng tránh, nhưng số người mắc lừa có nguy cơ tăng. Bởi các đối tượng lừa đảo thường câu kết với nhau, tạo thành nhóm, lập ra những kịch bản “như thật”. Thậm chí chúng còn làm giả những công văn, giấy tờ với các “logo” giả mạo giống y các cơ quan chức năng để gửi zalo cho chủ nhân các số điện thoại mà chúng “ngắm nghía” hòng đưa vào bẫy. Bằng nhiều cách khác nhau, các thông tin của khách hàng đã bị chúng nắm trong tay, nên trong các giao dịch, người ta có cảm giác chỉ cơ quan chức năng mới “thuộc” như vậy. Sự thật là không phải.
Rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan chức năng, của các nhà mạng trong việc quản lý sim và cung cấp dịch vụ viễn thông. Mạnh tay với sim rác, tin nhắn rác là việc làm cần kíp lúc này, để bảo vệ niềm tin với khách hàng dùng dịch vụ viễn thông. Cùng với đó, mỗi người dùng nên tỉnh táo trước bất cứ số điện thoại lạ cùng những yêu cầu liên quan tới mã ngân hàng, chuyển tiền cho người khác…