Canh tác nông nghiệp trên sa mạc

Khoảng 10 năm trở lại đây, ý tưởng về phát triển nông nghiệp trên các vùng sa mạc đã không còn quá xa vời. Trên nền cát sa mạc ở Trung Đông, ngày càng nhiều dự án canh tác mới mọc lên, mà gần đây nhất là cánh đồng lúa mì ứng dụng công nghệ cao do Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đầu tư thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Cánh đồng lúa mì ở UAE đang thử nghiệm giai đoạn một. Ảnh: GETTY IMAGES
Cánh đồng lúa mì ở UAE đang thử nghiệm giai đoạn một. Ảnh: GETTY IMAGES

Đồng xanh nơi khô cằn

Theo Reuters, vừa qua, những hình ảnh đầu tiên về cánh đồng lúa mì trên sa mạc đã được giới chức UAE công bố. Đây là cánh đồng trong giai đoạn đầu thí điểm trang trại rộng 400 ha ở thị trấn Mleiha thuộc Sharjah (UAE). Trang trại đã được khai trương vào tháng 11/2022 và sau gần bốn tháng sắp cho thu hoạch vụ đầu tiên. Tại đây, toàn bộ nước của hệ thống tưới tiêu lấy từ nước biển sau khi được khử muối, cũng như cải tạo mặt cát sa mạc làm đất canh tác.

Giám đốc dự án, ông Ibrahim Ramadan cho biết: “Đây là một nền tảng nông nghiệp đặc biệt, có thể giúp xác định lượng nước cần dùng cho mùa gặt, cũng như từ đó thiết lập kế hoạch sử dụng năng lượng hiệu quả cho những vụ mùa sắp tới”. Dự án bao gồm các cánh đồng trồng thử nghiệm 35 giống lúa mì khác nhau từ khắp nơi trên thế giới, trải rộng trên hàng trăm héc-ta để từ đó phân tích khả năng tương thích với thổ nhưỡng và thời tiết của UAE và tìm ra giống lúa thích hợp nhất.

Trang trại Mleiha không có thuốc trừ sâu, hóa chất và hạt giống biến đổi gien, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và hình ảnh nhiệt để thu thập dữ liệu về thời tiết và địa hình, qua đó có thể điều chỉnh các yếu tố thời tiết và theo dõi sự tăng trưởng. Kế hoạch xây dựng các nhà kính và trang trại tiết kiệm nước trên sa mạc cũng được giới chức UAE thúc đẩy nhằm mở rộng quy mô dự án trong thời gian tới, đồng thời tối ưu chi phí năng lượng để khử muối mỗi ngày đáp ứng nhu cầu tưới tiêu.

Dự án trang trại trên sa mạc của Sharjah được chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên thử nghiệm trên diện tích 400 ha; giai đoạn thứ hai phủ xanh diện tích 880 ha vào năm 2024 và giai đoạn ba hướng đến hoàn thành trên diện tích 1.400 ha vào năm 2025. Hiện các cơ sở hạ tầng cơ bản của trang trại đã được hoàn thiện giai đoạn một, bao gồm đường ống dẫn nước tưới và các công trình điện phục vụ các hoạt động trồng trọt, tưới tiêu, vận hành máy móc.

Nhà chức trách UAE công bố sản lượng của trang trại Mleiha dự kiến ​​sẽ đạt khoảng 1.600 tấn mỗi năm và sẽ nhân rộng mô hình này, qua đó hướng đến tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Chăn nuôi của Sharjah, ông Khalifa Alteneiji cho rằng, việc tự trồng lúa mì là giải pháp cho các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng trong giai đoạn ba năm đại dịch Covid-19, các biến động địa-chính trị và thiên tai.

Số liệu chính thức cho thấy, nhập khẩu thực phẩm và nông nghiệp của UAE lên tới 85% lượng thực phẩm quốc gia này tiêu thụ. UAE đã nhập khẩu 1,7 triệu tấn lúa mì vào năm 2022. Bởi vậy, các dự án nông nghiệp ở quốc gia vùng Vịnh còn nhằm bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao tỷ lệ sản xuất để đáp ứng nhu cầu nội tại, trong bối cảnh nhu cầu lương thực thay đổi và thế giới đang chứng kiến nhiều biến động khó lường. Giới chức UAE đặt yêu cầu tự sản xuất lương thực là một mục tiêu quan trọng, cũng như phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ mang lại cơ cấu việc làm mới và các dịch vụ khác cho đất nước.

UAE cũng đang kêu gọi nông dân hợp tác với chính phủ trong việc phát triển và duy trì trang trại, cũng như thành lập các trang trại chuyên canh trên vùng đất sa mạc, đồng thời nhấn mạnh chính phủ có thể cung cấp hỗ trợ cần thiết cho các dịch vụ điện và nước với giá ưu đãi, bên cạnh việc cung cấp tư vấn kỹ thuật và nông nghiệp để bảo đảm sản xuất. Mục tiêu trong 10 năm tới, UAE có thể phát triển những giống cây trồng tương thích khí hậu, không có hóa chất độc hại và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe.

Canh tác nông nghiệp trên sa mạc ảnh 1

Nguồn nước tưới tiêu trên sa mạc là yếu tố then chốt. Ảnh: GETTY

Bài toán sử dụng nước

Toàn bộ khu vực Trung Đông có diện tích khoảng 7,2 triệu km2, dân số khoảng 371 triệu người, bao gồm 17 quốc gia chủ yếu nằm trong vùng khí hậu sa mạc nhiệt đới khô nóng. Khó khăn chính trong phát triển nông nghiệp ở Trung Đông là nguồn nước hạn chế trên những vùng đất khô cằn, trong khi nước biển xâm nhập mặn khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Khu vực Trung Đông-Bắc Phi là nơi sinh sống của 5% dân số toàn cầu, nhưng chỉ sở hữu 1% nguồn nước tái tạo của thế giới. Trong những năm gần đây, một số quốc gia Arab đã đưa ra các chính sách và kế hoạch liên quan để giải quyết hạn hán, khan hiếm nước cho nông nghiệp và các thách thức khác, đồng thời phát triển và giới thiệu các công nghệ kỹ thuật số và AI để phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp tiết kiệm nước.

Để giải quyết thách thức kép về ảnh hưởng của nhiễm mặn và khan hiếm nước tưới tiêu, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) đã tiến hành nhiều nghiên cứu hỗ trợ nhằm tìm giải pháp cho các quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt tình trạng nhiễm mặn nghiêm trọng để có thể cải thiện hoạt động quản lý đất, nước và cây trồng. FAO cho biết, dự án hỗ trợ nông dân vùng đồng bằng Mesopotamian (Iraq) trồng thành công cà tím và các loại cây trồng làm thức ăn gia súc khác bằng nước ngầm trong đất bị nhiễm mặn, đã tiến hành được hơn 5 năm và cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Các phương pháp cải tạo đất bằng công nghệ sinh học cũng bước đầu cho thấy hiệu quả, trong đó có vườn cây chà là tại một trang trại nông nghiệp nước mặn ở sa mạc Sahara phía đông nam Maroco. Lượng nước tiêu thụ cho mỗi cây chà là hằng năm đã giảm từ 600 lít xuống còn 200 lít.

Gần đây, Chính phủ Ai Cập đã thí điểm một hệ thống tưới kỹ thuật số có độ chính xác cao cho hàng trăm nông dân. Hệ thống lấy mẫu dữ liệu bằng các cảm biến được chôn trong đất và báo nông dân biết khi nào họ nên tưới cây và lượng nước cần thiết. Thông qua một ứng dụng di động, nông dân có thể nhận được thông tin về cây trồng của họ, bao gồm cả độ ẩm của đất và kích hoạt hệ thống tưới từ xa. Ước tính hệ thống này cắt giảm khoảng 20% ​​lượng nước tiêu thụ của nông dân trong tưới tiêu.

Với việc áp dụng đúng lượng nước tưới có thể góp phần rửa sạch lượng muối tích lũy, các điều kiện vật lý và hóa học của đất có thể được cải thiện theo thời gian và cho phép nhiều loại cây trồng nảy mầm và phát triển. Phương pháp tính toán lượng nước và xử lý mặn đã được nông dân một số nước Trung Đông thử nghiệm với các loại cây trồng khác nhau và đạt được năng suất cao. Có thể kể đến như trồng kê ở Lebanon, lúa mạch và nghệ tây ở Jordan…

Theo ông Sinan Bacha, Giám đốc Trung tâm viễn thám khu vực của các quốc gia Bắc Phi (CRTEAN), nhiều nước trong khu vực Trung Đông-Bắc Phi đã đạt được những thành tựu đáng ngạc nhiên trong nông nghiệp và quản lý nguồn nước, đáng để nhân rộng những mô hình này. Theo ông Bacha, thực tế là lĩnh vực nông nghiệp đang sử dụng rất nhiều nước. “Để giảm tiêu thụ nước ở khu vực khan hiếm nước như ở sa mạc luôn được chúng tôi xem là một động lực lớn để hướng tới. Chúng tôi đang tập trung vào khía cạnh an ninh lương thực, không chỉ là nước mà còn là năng suất cây trồng, độ màu mỡ của đất đai, hướng đến một phương pháp nông nghiệp lành mạnh và bền vững hơn”.

Mặc dù canh tác nông nghiệp trên sa mạc có nhiều hứa hẹn nhưng vẫn còn một số thách thức phía trước. Đầu tiên, các quốc gia phải xác định cần đầu tư nguồn lực lớn ban đầu cho các công nghệ và hệ thống tưới tiêu, cũng như nhằm mang lại lợi ích cho nền kinh tế và sinh kế của người dân. Thứ hai, người nông dân phải tinh chỉnh các kỹ năng của mình để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm. Thứ ba, các chính phủ phải thúc đẩy xuất khẩu để nông dân có thể thu hồi vốn và tăng trưởng hoạt động kinh doanh của họ.