Cảnh giác chiêu “việc nhẹ, lương cao”

Các chuyên gia khuyến cáo, để có được công việc làm thêm phù hợp, người lao động nói chung và lao động trẻ muốn có việc làm thêm nói riêng nên đến các địa chỉ giới thiệu việc làm chính thống, tin cậy.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên tìm thông tin tại phiên giao dịch việc làm.
Sinh viên tìm thông tin tại phiên giao dịch việc làm.

1/Vừa kết thúc học kỳ I tại Trường đại học Hà Nội, bên cạnh việc làm gia sư, Nguyễn Thái A. sinh viên năm thứ hai có ý định kiếm thêm việc làm dịp cuối năm để phụ giúp gia đình.

Sau một thời gian tìm kiếm trên mạng xã hội, A. đã tìm đến một văn phòng giới thiệu việc làm trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để ứng tuyển vị trí thu ngân tại một siêu thị nhỏ. Theo lời quảng cáo, mức lương cho thời gian làm theo ca mà em được hưởng là 6 triệu đồng/tháng kèm một bữa ăn. Đến văn phòng giới thiệu việc làm, ngoài việc nộp hồ sơ, A. còn phải nộp tiền lệ phí tìm việc và mua quần áo đồng phục kèm tiền đặt cọc giữ chỗ cho siêu thị. Tổng các chi là 1,2 triệu đồng. A. nhận giấy hẹn sau một tuần quay lại văn phòng sẽ có nhân viên đưa đến nơi làm việc. Tuy nhiên, khi A. quay lại thì văn phòng đã cửa đóng then cài. Hỏi chung quanh thì A. mới tá hỏa! Đó chỉ là cửa hàng vốn bán văn phòng phẩm, còn các nhân viên giới thiệu việc làm đã chuyển đi đâu không rõ!

Trường hợp của bạn Lê Mai L., sinh viên năm nhất Trường cao đẳng nghề trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã bắt gặp mẩu tin quảng cáo trên mạng về việc tuyển nhân viên làm cho một tiệm chăm sóc sắc đẹp với mức lương hậu hĩnh. L. tìm đến ngay vì đúng ngành nghề mình học ở trường. Tuy nhiên, khi đến nơi, tiệm chăm sóc sắc đẹp không thấy đâu mà chỉ là một quán karaoke đóng kín cửa. Hỏi qua bảo vệ để tìm gặp người tuyển dụng, L. giật mình khi được biết, ở đây chỉ tuyển nhân viên phục vụ quán karaoke, chứ không có dịch vụ làm đẹp nào cả!

2/Lướt mạng xã hội, chỉ cần một từ khóa “tìm việc cuối năm”, người quan tâm đã nhận được hàng trăm kết quả. Nào là trên Facebook, Zalo, Viber… đăng nhan nhản các thông tin giới thiệu việc làm như bán hàng online, mở đại lý, giúp việc gia đình, làm dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, môi giới bất động sản… Tuy nhiên, chỉ cần vào tìm hiểu, thì việc đầu tiên là phải cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, phải chuyển các loại phí, đặt cọc… Theo các chuyên gia, sinh viên thường ít kinh nghiệm, không cảnh giác nên dễ trở thành “con mồi” cho các đối tượng lừa đảo tìm việc làm. Với các trường hợp tuyển dụng trên mạng, nếu máy chủ đặt ở nước ngoài, các đối tượng lừa đảo thường ẩn danh và xóa dấu vết rất nhanh nên phần lớn những người bị lừa bởi hình thức này đều mất trắng tiền cọc và cả các dữ liệu cá nhân.

Anh Nguyễn Hoàng H. chủ một chuỗi cửa hàng thời trang tại Hà Nội đã mở thêm cơ sở vào dịp cuối năm vì nhu cầu mua sắm của khách tăng lên khá nhiều. Anh H. có nhu cầu tuyển nhân sự, trong đó, chủ yếu tuyển các bạn lao động trẻ. “Các ứng viên đến với cửa hàng tuyển dụng chủ yếu là sinh viên. Chúng tôi đăng ký thông tin tuyển dụng tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, chứ không đưa lên mạng xã hội”.

Một thí dụ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội có niêm yết nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn ở phân khúc toàn thời gian và bán thời gian, tập trung vào nhóm ngành nghề thương mại - dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, tài chính - ngân hàng… Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thời gian qua đã lưu ý, người lao động nên tìm hiểu thật kỹ trước khi ký kết hợp đồng lao động. Không bao giờ có việc nhẹ lương cao. Khi được mời chào một công việc nhẹ nhàng, lương hậu hĩnh thì chắc chắn có vấn đề.

Công việc chủ yếu là làm thời vụ đáp ứng các yêu cầu: Chăm chỉ, nhanh nhẹn, trung thực. Trong quá trình làm việc, nếu không đáp ứng các tiêu chí đó, cửa hàng sẽ đào thải ngay!”, (anh Nguyễn Hoàng H.).