Cảnh báo về khủng hoảng khí hậu

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) vừa chính thức công bố báo cáo kết luận cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu (BĐKH) đã xảy ra với những thay đổi trên diện rộng và nhanh chóng, một số tác động tiêu cực là không thể đảo ngược.

Trận lũ lịch sử ở Đức hồi tháng 7. Ảnh: AFP
Trận lũ lịch sử ở Đức hồi tháng 7. Ảnh: AFP

IPCC là tổ chức khoa học liên chính phủ do Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) thành lập năm 1988. Báo cáo công bố ngày 9/8 được cộng đồng hàng trăm nhà khoa học hàng đầu thế giới soạn thảo. IPCC cũng ghi nhận hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH gây ra. Kết luận được tổng hợp từ các nghiên cứu về tốc độ nóng lên của hành tinh trong những năm gần đây, cho thấy tốc độ nóng lên toàn cầu xảy ra nhanh hơn so các quan sát trước đây. Trong đó, kể từ năm 2018 đến nay, lượng phát thải khí CO2 hầu như không suy giảm và đã đẩy nhiệt độ toàn cầu lên cao hơn.

IPCC lưu ý rằng, một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng BĐKH là do con người. Tổ chức này đã đề xuất các kịch bản BĐKH, tuy nhiên ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất thì Trái đất vẫn nóng thêm 1,5oC trước khi có thể giảm. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo, đây là báo động đỏ đối với nhân loại, đồng thời nhấn mạnh việc Trái đất nóng thêm ngưỡng 1,5oC là rất nguy hiểm. “Cách duy nhất để ngăn chặn việc vượt quá ngưỡng này là khẩn trương đẩy mạnh các nỗ lực chống BĐKH và theo đuổi lộ trình tham vọng nhất”, ông cho biết.

Nhà nghiên cứu khí hậu Michael Byrne tại Đại học Oxford (Anh) lưu ý, báo cáo của IPCC cho thấy cần phải hành động ngay bây giờ để giảm nhẹ ảnh hưởng sự nóng lên toàn cầu. Hiện tượng lượng mưa lớn trước đây xảy ra 10 năm một lần, nay xảy ra thường xuyên hơn 30%. Trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua ở ở Đức và Bỉ, gần 200 người đã thiệt mạng khi mưa ròng rã trong 12 giờ, bằng với lượng mưa cả một tháng. Trên toàn cầu, hạn hán có thể chỉ xảy ra 10 năm một lần hoặc lâu hơn, nay xảy ra thường xuyên hơn.

IPCC nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo toàn cầu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngay bây giờ, trước khi nhân loại đối mặt những kịch bản thậm chí còn tồi tệ hơn.