Nhất là vào dịp này, đang dần chuyển từ năm cũ sang năm mới với nhiều hoạt động tổng kết, liên hoan, gặp gỡ, giao lưu tất niên. Mà những cuộc tất niên này vốn đã phổ biến từ cuối năm dương lịch chứ chẳng phải đợi đến gần Tết Âm lịch. Lại thêm đang vào mùa cưới với nhiều cuộc vui mở ra tưng bừng. Tới đây vào tháng Chạp, lại sẽ nhiều cuộc sinh hoạt gia đình, dòng họ, là dịp diễn ra các cuộc vui giáp Tết từ chung đến riêng.
Tính tần suất các kỳ cuộc cấp tập như thế thì lượng rượu, bia được uống cũng không thể nhỏ. Đáng nói là quy định cấm lái xe sau khi sinh hoạt ẩm thực, sử dụng chất có cồn dù đã được nhiều người “quán triệt”, nhưng không phải ai cũng có ý thức tuân thủ hết. Bằng chứng là thời gian qua vẫn có những trường hợp bị xử lý do vi phạm về nồng độ cồn. Đặc biệt đến “mùa nhắm rượu” thì không loại trừ những khả năng vẫn có những người tặc lưỡi - “bắt” ai chứ không “bắt” mình đâu mà sợ; hoặc là lái xe luồn lách, tránh né các chốt kiểm tra khi đã có hơi men; thậm chí lúc tỉnh không sao, chứ hơi “tây tây” rồi còn có thể có tâm lý cứ liều đi về, sợ gì ai nào; hoặc nữa, là tâm lý tiêu cực, sẵn sàng tìm cách hối lộ lực lượng chức năng để: thôi thì mất khoản nhỏ chứ thoát được khoản tiền phạt to…
Cho nên là, lâu mới có cuộc “vui với men” thì tỷ lệ vi phạm còn ít. Khi tần suất tăng lên thì tỷ lệ cũng có thể “leo thang”. Bởi thế mà lực lượng chức năng cũng đang ra quân, tăng cường làm chặt, làm nghiêm quãng thời gian trước, trong và sau Tết Dương lịch, Âm lịch. Nhưng để tránh bị xử lý, giữ được an toàn sức khỏe, tính mạng, bảo đảm đời sống sinh hoạt lành mạnh, chừng mực thì không gì bằng tự nhắc mình, nhắc người thân, bạn bè giữ gìn, tiết chế. Và cố gắng xây dựng thói quen, đã đi đâu có uống bia, rượu thì không lái xe, phải có người chở, gọi xe dịch vụ mà về, chấp nhận chịu tốn kém. Cũng như có uống thì đừng thả cửa “như xưa”, như cái thời chưa có quy định cấm.
Có lẽ cùng chung trách nhiệm giữ cho xã hội, ngoài lực lượng chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật và báo chí, truyền thông vào cuộc, thì chính các địa bàn cơ sở, các tổ chức, đoàn thể cũng nên có nhiều hình thức tuyên truyền sinh động bằng pa-nô, áp-phích; bằng tin nhắn khuyến cáo qua Zalo; bằng những hình thức cam kết ở cấp phường, tổ dân phố, khu tập thể, khu phố văn hóa, cam kết của đảng viên, của cán bộ địa phương, cơ sở, của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, có thể của cả dòng họ nữa… Có nhiều hình thức phòng ngừa bên cạnh quy định luật pháp như thế, tin rằng các nguy cơ sẽ được hạn chế đáng kể.