Cảnh báo lừa đảo “giao dịch T+0”

Luật Chứng khoán hiện hành quy định thời gian giao dịch chứng khoán cơ sở là T+3 (sau khi mua hoặc bán cổ phiếu, cần có ba ngày để tiền hoặc cổ phiếu về tài khoản nhà đầu tư) nhưng gần đây trên mạng xã hội bỗng nở rộ các chiêu trò dụ dỗ giao dịch T+0 với cam kết lãi suất 600%/năm. Nhiều nhà đầu tư nhẹ dạ chuyển tiền để giao dịch và bị lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà đầu tư chỉ nên giao dịch tại những công ty chứng khoán hợp pháp. Ảnh: BẮC SƠN
Nhà đầu tư chỉ nên giao dịch tại những công ty chứng khoán hợp pháp. Ảnh: BẮC SƠN

Chuyển tiền tỷ cho người lạ

Hôm 27/6, nhóm 11 nhà đầu tư chứng khoán đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Hưng Yên đã cùng đứng tên trong lá đơn tố giác tội phạm gửi Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, tố cáo nhóm người có hành vi được cho lừa đảo chiếm đoạt bằng cách dụ dỗ nạp tiền để giao dịch chứng khoán T+0 trên ứng dụng Stock X.

Trao đổi ý kiến với phóng viên báo Thời Nay, anh N.H (30 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến ngày 22/6/2022, 11 nhà đầu tư nói trên (trong đó có anh H) đã nhận được tin nhắn và cuộc gọi từ các số điện thoại lạ có nội dung chào mời tham gia các buổi chia sẻ kiến thức đầu tư chứng khoán trực tuyến vào 20 giờ hằng ngày. Những người này giới thiệu là nhân viên của Công ty Chứng khoán M, còn người chia sẻ kiến thức hằng ngày là “thầy Danny Nguyễn”.

Ban đầu những nhà đầu tư này cảnh giác nên không tham gia. Nhưng họ tiếp tục được thuyết phục, dụ dỗ tham gia một số nhóm trên mạng xã hội Zalo, Telegram. “Tại đây chúng tôi được các nick Zalo “Giang Kiều Nguyễn”, “Diễm Phương”, “Triệu Hồng Vân” giới thiệu là trợ lý của “thầy Danny Nguyễn”, hằng ngày hỏi han, dụ dỗ đầu tư vào Quỹ đầu tư Fortune Haven Capital (được cho là có trụ sở chính tại Hàn Quốc và đăng ký tại phường 2, quận 3, TP Hồ Chí Minh) với cam kết lợi nhuận 600%, được giao dịch T+0, được mua cổ phiếu thưởng giá rẻ, được mua cổ phiếu phát hành lần đầu khi quỹ đầu tư của họ niêm yết”, anh N.H kể.

Nghe bùi tai, anh H và các nhà đầu tư còn lại đã nghe theo hướng dẫn, cài đặt ứng dụng Stock X qua đường link: http://a.f968501.xyz/O0BBJPBF nơi mỗi người được cấp một tài khoản và mật mã để tiến hành các giao dịch trên ứng dụng đó.

Ngay sau khi cài đặt Stock X, nhóm nhà đầu tư lập tức bị thuyết phục bởi vì giao diện bảng điện tử của Stock X giống hệt các sàn chứng khoán niêm yết như Hose, HNX, Upcom với đầy đủ các mã chứng khoán niêm yết. Hấp dẫn hơn, họ được thoải mái đặt lệnh mua bán T+0, T+1 (trong khi tại sàn cơ sở chỉ được T+3), được mua cổ phiếu thưởng ưu đãi, tỷ lệ vay ký quỹ (margin) được phép gấp 3 - 5 lần, thậm chí gấp 10 lần vốn (trong khi tại sàn cơ sở, tỷ lệ margin tối đa theo luật là gấp hai lần vốn).

“Tôi thử mua cổ phiếu và thấy có lãi ngay gấp đôi, gấp ba lần chỉ sau vài phiên. Nghĩ rằng đây là cơ hội làm giàu, nhất là khi đang thua lỗ nặng nề bên sàn cơ sở nên từ ngày 9 đến 23/6 tôi đã chuyển tiền sáu lần đến sáu tài khoản cá nhân của những người tự giới thiệu là nhân viên Công ty Chứng khoán M với số tiền bảy tỷ đồng”, anh H cho biết.

Một nhà đầu tư khác là chị H.T (37 tuổi, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) cũng chuyển khoản bảy lần cho năm cá nhân với số tiền là hai tỷ đồng. “Trước đó tôi đã tham gia sàn chứng khoán cơ sở vài năm nên rất tự tin là mình hiểu thị trường. Khi được chào mời, tôi đã từ chối thẳng. Nhưng những cá nhân này rất kiên trì, biết đánh vào tâm lý ham gỡ lỗ của nhà đầu tư ở thị trường cơ sở nên đã thuyết phục tôi hãy nạp 10 triệu đồng để giao dịch thử. Thấy số tiền nhỏ nên tôi nạp để giao dịch, thì quả nhiên chứng khoán mua về có thể bán luôn trong ngày (T+0), lãi gấp đôi. Lợi nhuận làm tôi mờ mắt nên tôi đã chuyển cho họ hai tỷ đồng”, chị T nói về lý do bị lừa.

Kết quả là, 11 nhà đầu tư đã lần lượt nộp tiền vào tài khoản ngân hàng cá nhân của 15 người mà họ không hề quen biết, chưa gặp ở ngoài đời thực, với số tiền lên đến gần 14 tỷ đồng. Ban đầu ai cũng say sưa với những con số lợi nhuận gấp đôi, gấp ba lần trong một thời gian ngắn. Họ chỉ tỉnh ngộ khi đề nghị được rút tiền gốc và lãi thì nhóm người kia yêu cầu chuyển khoản tiếp 30% lợi nhuận để trả thù lao cho quỹ thì mới được rút. Có người nhẹ dạ chuyển 20% số tiền lãi nhưng cũng không được rút tiền. Sau đó, nhóm người lập tức cắt đứt liên lạc và biến mất.

Điều nguy hiểm hơn, anh N.H thông tin, hiện tại nhóm người kia đã xóa sạch dấu vết của họ trên ứng dụng Stock X và đang giới thiệu app khác để tiếp tục lừa đảo thêm nhiều người. Họ lập tức trình báo vụ việc này đến cơ quan cảnh sát điều tra.

Luật pháp chưa cho phép giao dịch T+0

Trao đổi ý kiến với phóng viên, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, Luật Chứng khoán hiện hành quy định giao dịch T+3, do đó không thể có nền tảng ứng dụng nào cho phép giao dịch T+0 mà được công nhận. Những sàn giao dịch kiểu này do cá nhân lập ra, có thể họ đã sao chép quy cách từ các sàn chính thống nên có sự tương đồng nhất định nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, vì họ lập ra nên họ muốn mã nào lên mã nào xuống cũng được. Những con số lãi hàng trăm phần trăm mà nhà đầu tư nhìn thấy chỉ là lãi “ảo”, trong khi việc mất tiền là thật.

“Nếu thận trọng, nhà đầu tư hoàn toàn có thể phát hiện các dấu hiệu lừa đảo như: giá chứng khoán được mua thấp hơn giá niêm yết trên sàn cơ sở, việc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân không thông qua ngân hàng trung gian… Tuy nhiên, do thiếu kiến thức cộng với lòng tham nên họ vẫn bị lừa”, luật sư Đức nhận định.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng phân tích, điểm yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam là hầu hết nhà đầu tư là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có khả năng đánh giá chính xác giá trị cổ phiếu cũng như năng lực của doanh nghiệp phát hành. Nhiều nhà đầu tư chỉ biết đầu tư dựa vào danh tiếng của doanh nghiệp phát hành và lợi nhuận trước mắt nên không tự mình quản trị được rủi ro. “Tôi đã nhiều lần kiến nghị phải thúc đẩy xếp hạng tín nhiệm để nhà đầu tư có cơ sở đánh giá doanh nghiệp phát hành nhưng hiện tại thì điều kiện chưa cho phép hoạt động xếp hạng tín nhiệm được đầu tư một cách chuyên nghiệp”, TS Hiếu nói.

Để giải quyết câu chuyện này, ông Trần Nam Sơn, Giám đốc khối Pháp chế, Công ty Chứng khoán An Bình nêu quan điểm đề cao trách nhiệm cá nhân nhà đầu tư. Theo ông Sơn, cần có pháp luật để bảo vệ sự ổn định của xã hội, nhưng bên cạnh đó mỗi nhà đầu tư trước tiên phải có trách nhiệm đối với tài sản của mình. Phải hiểu rằng đầu tư chứng khoán không dành cho những người thiếu hiểu biết. Tốt nhất chỉ nên giao dịch tại những công ty chứng khoán hợp pháp. Với những thông tin nghi ngờ cần có sự xác minh làm rõ, kiểm tra chéo để nhận diện rủi ro.

Liên quan vụ việc trên, mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư. Theo quy định, nhà đầu tư muốn thực hiện giao dịch chứng khoán phải thông qua công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản và là đơn vị thành viên của Sở Giao dịch chứng khoán. “Đối với ứng dụng Stock X, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa bao giờ cấp phép hoạt động cung cấp dịch vụ mua bán chứng khoán cho nhà đầu tư. Hiện nay, giao dịch T+0 chưa được áp dụng, việc mời chào nhà đầu tư giao dịch T+0 như ứng dụng Stock X là không có cơ sở”, thông cáo nêu rõ.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) lấy ý kiến rộng rãi về việc điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toán có chu kỳ thanh toán T+2 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo đó, thời gian VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán và ngân hàng thanh toán hoàn tất thanh toán tiền sẽ được điều chỉnh từ 15 giờ 30 phút - 16 giờ lên 11 giờ 30 phút - 12 giờ của ngày T+2. Động thái này của cơ quan quản lý được cho là nhằm mục đích hỗ trợ nhà đầu tư rút ngắn chu kỳ giao dịch từ ba ngày xuống hai ngày. Mặt khác, nếu được thông qua, quy định này sẽ giúp thị trường tăng thanh khoản và giúp các công ty chứng khoán có thêm nguồn thu thuế, phí nhờ tăng quay vòng giao dịch chứng khoán.