Căng thẳng giữa tự nhiên và văn hóa

“Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” (Trương Hoàng Uyên Phương dịch, NXB Trẻ), cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả người Mỹ Delia Owens là tác phẩm lập kỷ lục xuất bản đáng ngưỡng mộ: ra mắt năm 2018, ngay lập tức đã thống trị danh sách best-seller của tờ The New York Times, và sau khoảng một năm đã bán được hơn sáu triệu bản trên toàn thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Căng thẳng giữa tự nhiên và văn hóa

Riêng ở Việt Nam, chỉ trong vòng vài năm, tính đến quý IV năm 2022, bản dịch tiếng Việt của “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” đã được in đến lần thứ sáu. Điều gì đã khiến cuốn tiểu thuyết này thành công đến vậy?

Thứ nhất: sự hấp dẫn. “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” là cuốn tiểu thuyết có cốt truyện thật sự hấp dẫn. Một vụ án giết người đầy bí ẩn được kể song song, xen kẽ với một lịch sử đời tư cô độc và chất chồng sóng gió. Tất cả đều chụm lại ở nhân vật chính của tiểu thuyết, Catherine Danielle Clark, tức Kya, người mang biệt danh “cô gái đồng lầy”. Là con út trong gia đình có một ông bố cựu binh thế chiến II bất tài, bất lực, vô trách nhiệm, nghiện rượu, quen thói bạo hành vợ con, và một bà mẹ dịu dàng, yếu đuối, cả đời luôn phải chịu đựng sự khiếp nhược đau khổ, Kya đã sớm bị bỏ lại một mình nơi đồng lầy hoang dã ở Bắc Carolina - không còn ai bên cô, cả cha mẹ và các anh chị - để tồn tại và trưởng thành, như một kẻ hoang dã. Kya chỉ có cảm giác thoải mái thật sự khi được sống giữa đồng lầy rộng lớn, tự do chạy thuyền, bắt vẹm, làm bạn với lũ mòng biển cùng đủ loại dã mộc, dã điểu ở cái nơi như bị thế giới bỏ quên này. Cộng đồng cư dân thị trấn kỳ thị cô, bản thân cô cũng luôn xa lánh và chạy trốn họ nếu lỡ gặp ai đó giữa đồng lầy.

Nhưng rồi, dù bắt buộc hay tự nguyện, để tồn tại và trưởng thành được, Kya vẫn phải thiết lập những mối quan hệ cá nhân giữa cô với xã hội người. Đó là vợ chồng ông bà da đen Jumpin’, những con người bao dung nhân hậu, luôn coi cô như con, sẵn sàng cho cô đồ ăn, quần áo và xăng dầu để chạy thuyền. Đó là Tate Walker, nhà động vật học, người yêu, người bạn đời của Kya, khi còn là một thanh niên mới lớn đã nhiệt tình dạy cô biết đọc, biết viết, và đã khiến cô phải thốt lên trước sức mạnh của chữ: “Em không biết ngôn từ có thể chứa đựng nhiều điều đến vậy. Em không biết một câu có thể đầy ắp như thế”. Đó cũng là Chase Andrew giẻ cùi tốt mã, gã Sở Khanh chỉ ham muốn tình dục lạ, kẻ đã lừa Kya để lấy đi trinh tiết của cô trong một bối cảnh cực tầm thường rẻ tiền, kẻ rốt cuộc đã cho Kya một thí dụ minh họa sáng rõ về cái gien di truyền của động vật: những con đực thiếu phẩm chất thì luôn tỏ ra huênh hoang xăng xái.

Kya sinh ra ở đồng lầy. Và Kya chết đi, khi đã là một nhà động vật học nổi tiếng, cũng ở đồng lầy. Đây là một đứa con của tự nhiên, hay nói chính xác hơn, một đứa con của tự nhiên nhưng luôn tồn tại trong tình thế căng thẳng giữa tự nhiên và xã hội người, tức giữa tự nhiên và văn hóa. Có lẽ, phương diện ý nghĩa này chính là lý do thứ hai khiến cho cuốn tiểu thuyết của Delia Owens trở nên thành công đặc biệt. Vì nó đặt người đọc vào một trong những mối quan tâm lớn nhất hiện nay: sự sinh tồn của hệ sinh thái tự nhiên, “nơi loài tôm hát”, và sự sinh tồn của hệ sinh thái trong tâm hồn người.