Cần thời gian để khôi phục niềm tin

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị “đóng băng”, Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết 33/NQ-CP vừa ra đời ngày 5 và 11/3 vừa qua được coi là giải pháp khẩn cấp để tháo gỡ nút thắt thanh khoản thị trường. Tuy nhiên, để cầu đầu tư trái phiếu trở lại, thị trường đi vào hoạt động ổn định, bền vững thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các giải pháp.
0:00 / 0:00
0:00
Trái phiếu bất động sản chiếm tới một phần ba tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Ảnh: NGUYỆT ANH
Trái phiếu bất động sản chiếm tới một phần ba tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Ảnh: NGUYỆT ANH

Áp lực trái phiếu đáo hạn lớn dần

Chị Mai Dung, một nhà đầu tư cá nhân ở Hà Nội chia sẻ, chị có một khoản tiền nhàn rỗi 1,2 tỷ đồng dự kiến dùng để bảo lãnh du học cho con gái vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, do người quen mời mọc, đầu năm 2021 chị đã dùng số tiền này mua trái phiếu của một doanh nghiệp bất động sản lớn có trụ sở ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

“Theo kỳ hạn hai năm của trái phiếu, lẽ ra khoản nợ này của tôi đã được đáo hạn từ cuối năm 2022, song nhà phát hành không trả được nợ, khiến vợ chồng tôi phải bán tài sản khác để bảo lãnh du học cho con, vì chuyện này mà gia đình bị nhiều xáo trộn”, chị Dung nói với phóng viên.

Đem trường hợp của nhà đầu tư này trao đổi với doanh nghiệp bất động sản nói trên, một đại diện truyền thông của doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp đã hoàn toàn mất khả năng trả nợ trái phiếu do đang bị “đóng băng” thanh khoản: dự án cũ không bán được, dự án mới thì không “ra hàng” được do thiếu vốn và chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, trong khi đó “room” tín dụng đã hết, không huy động được vốn trái phiếu mới…

Trường hợp của chị Mai Dung và nhà phát hành trái phiếu kể trên là câu chuyện khá phổ biến hiện nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu bất động sản vốn chiếm tới một phần ba tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong hai năm 2023 và 2024 sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó năm 2023 là 309.000 tỷ đồng, riêng số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn là khoảng hơn 119.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, hai tháng đầu năm 2023 chỉ có ba doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công. Cụ thể, theo FiinRatings, trong tháng 1/2023, chỉ duy nhất Công ty CP Đầu tư Phan Vũ phát hành thành công lô trái phiếu riêng lẻ với giá trị 110 tỷ đồng; tháng 2/2023 có hai doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công là Tập đoàn Masan với giá trị 1.500 tỷ đồng và Công ty CP Bất động sản Sơn Kim 500 tỷ đồng.

Tín hiệu chính sách

Vào ngày 5/3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (gọi tắt là Nghị định 08).

Nghị định 08 có ba nội dung chính: Một là, cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang gặp khó khăn trong trả nợ được đàm phán với trái chủ về việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản; Hai là, cho phép đàm phán với trái chủ về việc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa hai năm so với kỳ hạn ban đầu; Ba là, ngưng hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023 đối với quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định về xếp hạng tín nhiệm…

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có những diễn biến phức tạp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản và niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng, Nghị định 08 sẽ giúp minh bạch hóa các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là tạo điều kiện cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành có thêm quy định rõ ràng về mặt pháp lý để xử lý những vấn đề liên quan thị trường phát sinh trong thời gian vừa qua.

Giới chuyên gia cho rằng, các quy định mới của Nghị định 08 đem lại nhiều giá trị tích cực và là cơ sở cho việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm “hạ cánh mềm” (phát triển chậm lại nhằm duy trì ổn định sau quá trình tăng trưởng nóng - PV) cho trái phiếu hiện nay, nhất là trái phiếu bất động sản. Tuy nhiên, để khôi phục niềm tin và cầu đầu tư trái phiếu thì phải cần thời gian và các giải pháp bổ sung tiếp theo.

Trong đó, phần lớn các chuyên gia trông đợi giải pháp từ phía ngân hàng. Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ cần có chương trình hoãn nợ quốc gia cho phép hoãn nợ 1-2 năm cho các nhà phát hành trái phiếu đã chấp hành đúng pháp luật, đúng cam kết về phát hành trái phiếu.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw khuyến nghị về việc điều chỉnh chính sách tín dụng theo hướng mở rộng “room” cho lĩnh vực bất động sản để kênh tín dụng có thể san sẻ khó khăn cấp bách cho kênh trái phiếu; đồng thời có cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn pháp lý cho từng dự án bất động sản, giúp dự án bất động sản có pháp lý “sạch” trước khi đàm phán đổi lấy nợ trái phiếu.

Nhận thức được những “điểm nghẽn” chính sách này, ngày 11/3, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, bên cạnh nội dung “chốt” gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi 1,5-2% lãi suất cho phân khúc nhà ở xã hội, tại Nghị quyết 33, Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát, phân loại dự án bất động sản để giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…; đồng thời nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính có giải pháp hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tiễn, theo tinh thần “lợi ích hài hòa; khó khăn, rủi ro chia sẻ”; nghiên cứu phương thức doanh nghiệp bất động sản đàm phán, hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản…

Như vậy có thể thấy, từ Nghị định 08 ngày 5/3 đến Nghị quyết 33 ngày 11/3 là một bước tiến dài của cơ quan quản lý trong nỗ lực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường bất động sản nói chung và trái phiếu bất động sản nói riêng.

Cần thêm giải pháp

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08, Bộ Tài chính có thông cáo báo chí về Nghị định này, trong đó nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời có nhiều giải pháp để phát triển các công ty quản lý quỹ, các công ty đầu tư tài chính chuyên nghiệp để qua đó thành lập các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên biệt và các nhà đầu tư cá nhân có thể đầu tư vào các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên biệt này.

Trao đổi ý kiến với phóng viên, ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư FIDT nói rằng, Nghị định 08 chỉ là giải pháp tình thế khi giúp cho các nhà phát hành trái phiếu có thể đàm phán với các trái chủ về gia hạn kỳ hạn trả nợ và hoán đổi nợ trái phiếu lấy tài sản (bất động sản, cổ phiếu…). Còn bản chất khó khăn của thị trường trái phiếu hiện nay là do niềm tin bị sụp đổ nặng nề nên cũng rất khó để vực dậy trong vòng hai năm.

“Tôi cho rằng, sau những giải pháp ngắn hạn như Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, cơ quan quản lý phải đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo thị trường đi kèm với đẩy mạnh công tác xếp hạng tín nhiệm, giới thiệu cho nhà đầu tư những doanh nghiệp có tín nhiệm tốt, rồi để các tổ chức tài chính đầu tư vào trước, từ đó mới tạo dựng được niềm tin để nhà đầu tư cá nhân tham gia”, ông Tuấn đề xuất.

Trong khi đó, ông Phan Khánh Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Take Profit thì cho rằng, một điểm yếu của thị trường trái phiếu hiện tại là chất lượng và độ minh bạch của các trái phiếu được phát hành chưa cao. “Do đó, để thị trường ổn định trở lại và nhà đầu tư quay lại với thị trường trái phiếu thì phụ thuộc vào niềm tin của họ sau khi cơ quan quản lý xử lý hài hòa, hiệu quả những vụ việc vi phạm trong lĩnh vực trái phiếu thời gian qua.

Nêu quan điểm từ góc độ của nhà phát hành trái phiếu, TS Phan Phương Nam, Phó trưởng khoa Luật Thương mại, ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, sau khi có Nghị định 08 và Nghị quyết 33, doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần phải nhanh chóng cơ cấu lại vốn, dòng tiền và tận dụng có hiệu quả các chính sách lãi suất trong giai đoạn này cũng như phối hợp cùng cơ quan Nhà nước tháo gỡ những điểm vướng mắc trong kinh doanh.

“Còn nếu các doanh nghiệp không có kế hoạch kịp thời, cách thức ứng xử tốt để tận dụng chính sách thì khoảng thời gian hai năm gia hạn nợ không có ý nghĩa gì”, ông Nam nói.