Mức tăng cao ở nhóm ngành y khoa
Sau hai năm không tăng theo quy định của Chính phủ, từ năm học 2023-2024, Trường ĐH Ngoại thương dự kiến áp dụng mức học phí mới cho năm học 2023-2024 tăng 5-10 triệu đồng/năm so với năm ngoái. Điều này, đồng nghĩa cơ hội vào học của em Nguyễn Xuân L. (Thái Bình) ngày càng thu hẹp. Bố mẹ L. cùng làm nông nghiệp, đầu năm nay, mẹ em lại mắc bệnh hiểm nghèo nên số tiền tích lũy bấy lâu của gia đình dồn cho mẹ điều trị dài ngày tại bệnh viện ở Hà Nội. Mặc dù đỗ điểm cao vào trường nhưng với mức học phí tăng cao, L. sẽ khó thực hiện được ước mơ theo học ĐH Ngoại thương bấy lâu nay. “Em sẽ chọn trường có học phí thấp nhất để giảm gánh nặng cho bố mẹ”, L. cho biết.
Tương tự, Lưu Thanh H. quê ở Bạc Liêu có học lực xuất sắc và nuôi ước mơ trở thành bác sĩ đa khoa. Kỳ tuyển sinh ĐH năm 2023, em “nhắm đến để học ngành y khoa là Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tuy nhiên, theo đề án tuyển sinh của hai trường này năm nay, học phí đều tăng. Cụ thể, học phí ngành y khoa ở Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh ở mức 7,48 triệu đồng/tháng, tương đương với 74,8 triệu đồng/năm học; Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là 55,2 triệu đồng/năm. Những ngành học khác ở hai trường này như điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, y tế công cộng…, học phí thấp hơn song cũng ở mức 30-40 triệu đồng/năm. Đó là số tiền quá lớn nếu so với đồng lương làm công nhân ở khu công nghiệp của cha mẹ H.
Học phí ĐH hiện nay của các trường ĐH có thể chia thành ba nhóm: nhóm trường ĐH công lập chưa tự chủ; nhóm trường ĐH tự chủ (phần lớn là tự chủ về tài chính và vài trường tự chủ hoàn toàn); nhóm trường ĐH ngoài công lập, hay còn gọi là trường ĐH tư). Đối với nhóm trường ĐH công lập chưa tự chủ, học phí thu theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP ban hành ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (có hiệu lực từ ngày 15/10/2021). Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong hai năm qua, Chính phủ có chỉ đạo không tăng học phí theo quy định tại Nghị định 81. Với những trường này, học phí dao động từ 12 triệu- 24,5 triệu đồng/năm. Trong khi đó, mức học phí theo Nghị định 86 dao động từ 9,8 triệu đồng - 14,3 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, học phí của các trường ĐH công lập tự chủ theo Nghị định 81 với mức học phí cao hơn từ 2-2,5 lần so với cơ sở chưa tự chủ. Điều này có nghĩa là, ngành y khoa học phí trường tự chủ sẽ thu ở mức từ 49-61,25 triệu đồng/năm. Và hiện nay nhiều trường có mức học phí khá cao như: Ngành y khoa của Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh có mức học phí 74,8 triệu đồng/năm; học phí các chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh từ 62,5-165 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể các chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế... các trường được tự do xác định mức học phí. Với các trường đại học tư, học phí các ngành y khoa còn cao hơn. Trường ĐH Tân Tạo thu bình quân 150 triệu đồng/năm; ngành răng hàm mặt của Trường ĐH Văn Lang học phí dao động khoảng 200 triệu đồng/năm, ngành y khoa từ 170-196 triệu đồng/năm; ngành răng hàm mặt của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng là 180 triệu đồng/năm...
Như vậy, với ngành y khoa, để ra trường, sinh viên phải đóng học phí trên dưới 1 tỷ đồng ở đại học tư, còn với trường công lập tự chủ cũng ngót nghét nửa tỷ đồng.
Các trường hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên: Miễn, giảm học phí cho sinh viên thuộc diện chính sách theo quy định, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên dân tộc thiểu số; Tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận các nguồn vốn vay, tài trợ từ chính sách của các ngân hàng, tổ chức; Hỗ trợ tiền nhà ở ký túc xá, dịch vụ khác cho sinh viên; Tăng học bổng, khuyến khích học tập cho sinh viên; Giãn thời gian đóng học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do điều kiện kinh tế; Tạo môi trường hướng nghiệp năng động cho sinh viên có cơ hội tham gia làm việc, vừa rèn nghề vừa có thêm thu nhập, thông qua kết nối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp,...
Sinh viên khó tiếp cận nguồn vay
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, giáo dục ĐH không chỉ có việc tăng học phí là có ngay được chất lượng. Mức học phí tăng đúng là chưa thể so sánh với mức học phí vài chục nghìn USD/năm ở nước ngoài, nhưng thực tế, chất lượng đào tạo thì các cơ sở giáo dục ĐH trong nước không thể sánh bằng. Thậm chí, nhiều trường ĐH tư thiếu đội ngũ giảng viên, thiếu cơ sở, máy móc, thiết bị thực hành.
Hiện nay, ngoài học bổng từ các trường và doanh nghiệp, tổ chức xã hội, sinh viên có thể vay tín dụng với lãi suất ưu đãi. Theo Quyết định 05/2022 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 157/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, từ ngày 19/5/2022, mỗi học sinh, sinh viên có thể được vay cao nhất 4 triệu đồng/tháng để phục vụ việc học.
Trong khi đó, theo báo cáo gần nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Chính sách xã hội cho thấy, số sinh viên có nhu cầu vay vốn chiếm khoảng 10-15% số lượng nhập trường hằng năm. Theo lãnh đạo các trường ĐH, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận các gói học bổng, chính sách miễn giảm học phí hoặc các gói vay tín dụng không lãi suất trong bối cảnh học phí tăng mạnh. Phần đông sinh viên đi học hiện nay tự phải lo kinh phí từ nguồn gia đình, thiếu sự hỗ trợ lâu dài từ phía nhà nước.
Đánh giá vấn đề trên, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, theo con mắt của nhiều nhà quản lý giáo dục ĐH, việc tăng học phí là một trong các giải pháp then chốt để tăng chất lượng đào tạo trong điều kiện nguồn ngân sách của nhà nước hạn chế. “Tỷ lệ lao động có trình độ giáo dục ĐH còn thấp. Điều này khẳng định nhu cầu đào tạo nhân lực có trình độ ĐH phải tăng lên để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của người dân muốn học lên trình độ ĐH.
Tuy nhiên, xuất hiện mâu thuẫn giữa việc mở rộng cơ hội học ĐH và nâng cao chất lượng đào tạo. Khi muốn nâng cao chất lượng buộc các cơ sở giáo dục ĐH phải điều tiết lại mức học phí bằng cách thu học phí tăng thêm.
Như vậy, học phí tăng cao sẽ thu hẹp cơ hội học ĐH của một bộ phận dân nghèo sống ở các vùng nông nghiệp, miền núi, ven biển có thu nhập thấp. Mặc dù, mức cho sinh viên nghèo vay vốn để đi học tăng lên đến 4 triệu đồng/tháng nhưng học phí tăng cao cộng với chi phí sinh hoạt đắt đỏ chắc chắn sẽ hạn chế giấc mơ học ĐH của họ.
Việc tăng học phí là việc hiển nhiên nếu muốn có một nền giáo dục ĐH chất lượng và hiệu quả, nhưng dư luận vẫn còn băn khoăn về chất lượng đào tạo thực tế có làm giá trị của sinh viên gia tăng tương ứng”, TS Hoàng Ngọc Vinh phân tích.
Trước việc nhiều trường ĐH công lập sẽ tăng học phí trong năm học 2023-2024, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp nhấn mạnh, chính sách tăng học phí cần đi kèm với các chính sách khác một cách đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo (tuyển dụng giảng viên giỏi, mua sắm thiết bị, sách, ứng dụng công nghệ dạy học mới), cải thiện cơ hội việc làm, tăng vốn vay cho sinh viên theo học, tăng học bổng cho sinh viên nghèo, học giỏi.
“Các nhà trường cần cơ cấu lại việc đầu tư, tích lũy có được nhờ tăng học phí, minh bạch thông tin tài chính và chất lượng. Điều quan trọng là một trường ĐH công lập không nên chỉ chăm chăm vào thu học phí để trang trải mọi chi phí mà cần tăng thu và quản lý hiệu quả các nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ cho xã hội và nhà nước. Thực chất, học phí học ĐH ở Việt Nam còn khá thấp so nhiều nước, việc tăng học phí trong điều kiện ngân sách công cung cấp không đủ là việc phải làm”, TS Hoàng Ngọc Vinh nói.