Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ra đời từ năm 2000 với chức năng là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Từ lúc ra đời đến nay, được sự quan tâm sát sao của Đảng và Nhà nước, thị trường đặc biệt này đã đạt những bước phát triển vượt bậc.
Để TTCK phát triển thêm một tầm cao mới, trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải thực hiện càng sớm càng tốt việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market). Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn có những vấn đề khiến TTCK Việt Nam chưa thực hiện được yêu cầu này của nguyên Thủ tướng. Một trong những tồn tại đó là tính minh bạch của thị trường khi các đội, nhóm làm giá chứng khoán chưa được xử lý đến nơi đến chốn. Điều này làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế.
Một điển hình của đội, nhóm tồn tại khá ngang nhiên từ rất lâu nhưng chưa bị cơ quan chức năng “sờ gáy” chính là nhóm cổ phiếu có liên quan đến tập đoàn FLC (trên thị trường hay gọi là cổ phiếu họ FLC) bao gồm FLC, ROS, ART, KLF. Các biểu hiện của đội lái làm giá được thể hiện rõ ràng nhất tại cổ phiếu ROS thông qua các giai đoạn:
Giai đoạn đẩy giá, vẽ chart: trong giai đoạn này lượng cổ phiếu của công ty ở bên ngoài rất ít, vì vậy đội nhóm làm giá hoàn toàn có thể kiểm soát giá trên thị trường dễ dàng đẩy cổ phiếu cao vượt giá trị thực của công ty nhiều lần. ROS trải qua giai đoạn này trong hai thời kỳ: từ lúc bắt đầu lên sàn tháng 9/2016 đến tháng 3/2017 đưa giá ROS từ 10 lên 125 và giai đoạn từ đầu tháng 10/2017 đến tháng 11/2017 đưa giá từ 90 lên hơn 214 nghìn đồng/CP. Trong các giai đoạn này, chart giá của cổ phiếu hoàn toàn không có tính tự nhiên như các cổ phiếu khác vì tăng theo một đường thẳng với độ dốc không đổi-điều này chỉ xuất hiện khi có đội, nhóm đứng sau. Các đội, nhóm làm giá thường để thanh khoản của cổ phiếu trong phiên cao, vì vậy thu hút rất lớn sự quan tâm của nhà đầu tư bên ngoài. Việc tạo thanh khoản cao và đẩy giá cổ phiếu lên mạnh đã đưa ROS thỏa mãn các tiêu chí mua vào của các quỹ ETF (một dạng quỹ đầu tư thụ động, không quan tâm tình hình doanh nghiệp mà chỉ quan tâm đến giá trị vốn hóa và thanh khoản của cổ phiếu). Kết quả ROS đã được hai quỹ ETF của nước ngoài duy nhất tại Việt Nam là V.N.M và FTSE lúc bấy giờ mua vào với khối lượng lớn ở mức giá “trên trời” trong năm 2017. Điều này hoàn toàn nằm trong tính toán của đội, nhóm làm giá ROS.
Giai đoạn xả hàng: Với việc cổ phiếu lên cao, giao dịch thanh khoản lớn, đội làm giá đã thành công khiến ROS trở thành hiện tượng trên sàn giao dịch, thu hút các nhà đầu tư trong nước lẫn ngoài nước mua vào ở mức giá cao. Việc còn lại của đội làm giá rất đơn giản là bán ra để kiếm lời và sau đó giá cổ phiếu đã giảm một mạch từ hơn 214 nghìn đồng/cổ phiếu về mức giá chỉ 1.000-2.000 đồng/cổ phiếu. Mức giảm hơn 90% gây thiệt hại cực kỳ lớn cho nhà đầu tư vì ROS là một cổ phiếu thanh khoản cao, có lúc chiếm đến 10-15% trên tổng giá trị giao dịch của cả thị trường (giai đoạn 2018-2019), vì vậy mức độ tham gia CP này của nhà đầu tư rất nhiều. Điển hình là hai quỹ đầu tư ETF là V.N.M và FTSE đã phải liên tục mua thêm lúc giá tăng cao và bán giá thấp.
Việc mua cao, bán thấp đã khiến hai quỹ này có kết quả hoạt động kém, khiến họ bị nhà đầu tư rút tiền ròng (tổng số tiền quản lý đã giảm hơn một phần ba so với lúc cao điểm là hơn 1 tỷ USD, trong khi VN Index của Việt Nam đã lập các đỉnh cao mới liên tiếp). Đây là quỹ của các định chế tài chính toàn cầu lớn là Vaneck và Deutsche Bank, rất có tiếng nói trên thị trường. Vì vậy, đã gây ảnh hưởng xấu lên hình ảnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế.
Ở đây có câu hỏi đặt ra là: Liệu có phải đội, nhóm đứng sau cổ phiếu này hoạt động rất tinh vi nên cơ quan chức năng khó phát hiện ra. Thực tế, những biểu hiện làm giá rất rõ ràng qua các yếu tố đã nói ở trên. Trong các giai đoạn tăng giá (nhất là giai đoạn từ cuối tháng 9/2017), cổ phiếu này tăng hằng ngày qua các phiên với một mức giá tăng cố định là 700-800 đồng, điều không thể xuất hiện ở các cổ phiếu bình thường, và trong giai đoạn 2018-2019 khi thanh khoản của ROS lên hơn 10% của cả thị trường trong khi đây là một doanh nghiệp nhỏ, hoạt động kinh doanh không có gì đáng chú ý khi trên toàn thị trường có tới hơn 400 doanh nghiệp lớn nhỏ. Những câu chuyện bên lề thị trường thường nói đến việc chỉ có nhóm vài chục tài khoản mua bán qua lại đã tạo ra mức thanh khoản cao như vậy cho cổ phiếu này.