1/ Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có năm không gian phố đi bộ, gồm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian đi bộ khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm); không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố-phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) và gần đây nhất có khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc-Ngũ Xã, (quận Ba Đình) và phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng).
Những năm gần đây, du khách quốc tế khi đến Hà Nội thường có nhu cầu khám phá các hoạt động dịch vụ, giải trí diễn ra vào ban đêm. Do đó, việc mở rộng phố đi bộ cũng là một trong những giải pháp giúp du khách có thêm cơ hội trải nghiệm thú vị. Nhất là khi Hà Nội sở hữu hệ thống di tích lịch sử dày đặc như đình, đền, chùa có giá trị, và các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh như ca trù, hoặc các loại hình nghệ thuật truyền thống hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách tham quan những trải nghiệm mới lạ nhất. Đặc biệt, việc tổ chức không gian đi bộ vào mỗi buổi cuối tuần đem lại nhiều lợi ích thiết thực, trong đó, góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển du lịch và kinh tế của Chính phủ. “Từ khi có phố đi bộ, người dân có thêm không gian để xả stress sau cả tuần làm việc mệt nhọc. Hằng tuần, tôi vẫn đưa các con lên hồ Hoàn Kiếm vui chơi, đi dạo, ngắm cảnh, nghe nhạc, tuy nhiên phố đi bộ vẫn còn hơi lộn xộn, đơn điệu và chưa có nhiều tiện ích, hoạt động buôn bán mang tính tự phát, thiếu sự đồng bộ nhất quán nên chưa thu hút được khách tham quan”, anh Nguyễn Văn Đức (Ba Đình, Hà Nội) cho biết.
Thời gian tới, Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức thêm nhiều không gian đi bộ, nơi sẽ là địa chỉ văn hóa mới khi nhiều quận, huyện đang đề xuất đưa vào hoạt động. Thí dụ như phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình); phố đi bộ Khu đô thị mới phía nam đường vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì). Việc mở thêm các tuyến phố đi bộ vào buổi tối nằm trong lộ trình phát triển kinh tế đêm, thúc đẩy du lịch của thành phố và được kỳ vọng sẽ thu hút khách du lịch, tạo thêm việc làm thông qua hoạt động thương mại, dịch vụ.
2/ Không phủ nhận các tuyến phố đi bộ đã mang lại luồng sinh khí mới, nơi người dân có thể vui chơi, giải trí, thư giãn, thưởng thức ẩm thực, âm nhạc, hòa mình vào đường phố… mỗi dịp cuối tuần. Nhưng dường như ngoài phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm ra thì những nơi khác vẫn chưa tạo được bản sắc, cũng như tận dụng tiềm lực địa phương để thu hút du khách nơi khác đến. So phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) vắng khách hơn rất nhiều. Dù khi khai trương (năm 2018) phố đi bộ này được kỳ vọng sẽ là điểm đến mới thu hút người dân và du khách. Thế nhưng, sau vài năm, phố đi bộ này vẫn khá “đìu hiu”, ít có các trò chơi mới lạ hay các điểm giải trí hấp dẫn. Nhiều chuyên gia bày tỏ, sự thành công của không gian công cộng nằm ở việc lắng nghe nhu cầu của người dân và thiết kế phù hợp với cảnh quan chung quanh đó để tạo nên bản sắc riêng biệt. Điều thành phố nên quan tâm không phải số lượng phố đi bộ nhiều hay ít, mà là chất lượng kết nối không gian và tạo ra giá trị của các tuyến phố đó.
TS Trương Văn Quảng, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam phân tích, việc người dân thích dồn về những khu vực đông đúc như quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ đã trở thành một thói quen, đó là nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và là địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến Hà Nội. Những tuyến phố này có nét đặc trưng về văn hóa, đậm bản sắc địa phương hoặc có các công trình kiến trúc đặc trưng nhằm quảng bá, phát huy giá trị tinh thần, tâm linh. Ông Quảng lưu ý, nếu không có yếu tố trên, tuyến phố đi bộ phải nằm ở vị trí trung tâm hoặc dễ tiếp cận để phát triển dịch vụ, thương mại, mô hình quản lý kinh doanh cũng cần được xây dựng bài bản để tránh tình trạng lộn xộn, lấn chiếm không gian. Bởi vẫn còn nhiều hạn chế mà thành phố cần khắc phục để tăng chất lượng phố đi bộ, trong đó dễ nhìn nhận nhất là các hoạt động còn nghèo nàn, đơn điệu với hiệu quả kinh tế chưa rõ nét.
Một vấn đề đáng bàn nữa là đôi khi hoạt động kinh doanh tại phố đi bộ còn mang tính “chộp giật”. Ở nhiều điểm du lịch Hà Nội, một số cơ sở, cá nhân kinh doanh đêm, đặc biệt là cung cấp dịch vụ ăn uống và vận chuyển còn hoạt động thiếu chuyên nghiệp, có trường hợp còn “chặt chém” du khách. Ngoài ra, các tiêu chuẩn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bãi đỗ xe, rồi tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông… cũng chưa được tuân thủ chặt chẽ. Từ một số hạn chế trên, để các không gian đi bộ của Hà Nội phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế đêm Thủ đô, thành phố cần tính toán, đưa ra chiến lược phát triển rõ ràng cho từng thành phần liên quan phố đi bộ để tạo ra giá trị, lợi thế và bản sắc riêng.