Tại nhà ở giữa con hẻm nhỏ đường Nguyễn Văn Trỗi, TP Vũng Tàu, anh cho tôi xem hàng nghìn file ảnh chụp ở nhiều thời gian khác nhau. Có tấm ảnh mới chụp vài giờ, có tấm ảnh 20 năm trước, có những tấm đã lưu 37 năm. Đó là những tấm hình chụp đen trắng bằng máy cơ cắt phim của thế kỷ trước. “Những bức ảnh đẹp, có khi tôi ngồi ngắm vài tiếng không chán. Để có những tấm ảnh sống động, tôi phải đi nhiều nơi, đến nhiều miền đất lạ. Mỗi tấm ảnh chứa nhiều giọt mồ hôi”, anh chia sẻ.
Chỉ vào tấm ảnh “đảo Tiên nữ mùa lặng sóng”, anh bảo: “Tấm ảnh này tôi mới chụp năm 2019 lần ra Trường Sa cùng đoàn đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong nhiều địa danh đặt chân, bấm máy, Trường Sa là nơi tôi xúc động nhất. Tay bấm máy mà mắt nhòe đi. “Chuyến đi đó tôi chụp cả nghìn tấm ảnh. Mỗi tấm một cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng tựu trung lại là cảm phục những chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió”.
Tôi xúc động “lặng người” khi nhìn tấm ảnh “Kim Hải chiều cuối năm”. Đó là tấm ảnh “lột tả” những lao động quê miền Tây sông nước làm thuê cho chủ một vựa hoa ở Làng hoa Kim Hải. Những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi, trong khi người người nhà nhà tất bật lo những công việc cuối cùng trước phút Giao thừa, thì tám nhân công tất bật đội hoa để kịp bán ra thị trường. Giọt mồ hôi thánh thót rơi ướt áo, nhưng họ vẫn nở nụ cười tươi rói trên môi.
Hoài Ân vào nghề năm 1983. Hàng nghìn tấm ảnh gắn liền với ngần ấy sự kiện diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau cũng đủ để nói lên “độ dày”, “độ sắc” của người làm ảnh chuyên nghiệp. Vậy mà Hoài Ân chưa bao giờ coi mình là “nghệ sĩ nhiếp ảnh”. 37 năm lăn lộn với nghề, Hoài Ân có nhiều tác phẩm được triển lãm ảnh mỗi mùa xuân đến do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh thành phố biển Vũng Tàu tổ chức. Những tấm ảnh được chọn triển lãm ấy, ít nhiều cũng đem lại thù lao. Nhưng để nuôi sống mình, anh phải “cày, bừa” nhiều như: chụp ảnh đám cưới, chụp ảnh người mẫu. “Ai nói nghề ảnh làm giàu? Nuôi bản thân mình là khá lắm rồi. Điều quan trọng là để lại cho đời, truyền lại cho con cháu mai sau cái nghề để không mai một. Thời này người ta chụp ảnh bằng điện thoại, nhưng nếu những tấm ảnh lưu lại kỷ niệm một thời không thể lãng quên thì chẳng ai nỡ tiếc tiền không in tấm ảnh ấy ra làm kỷ niệm”, Hoài Ân bộc bạch.