Cần nâng cao ý thức tham gia giao thông

Năm nào cũng thế, càng gần Tết, nhu cầu đi lại, giao thương tăng mạnh từ sáng đến chiều, giờ nào cũng có thể coi là giờ cao điểm, thậm chí tối rồi vẫn còn nghìn nghịt trên phố.
0:00 / 0:00
0:00

Và đương nhiên hệ quả tất yếu là ùn tắc nhiều hơn, lâu hơn, dài hơn, đi lại mất thêm thời gian, sốt ruột hơn. Và thêm bức xúc với bất cập hạ tầng giao thông đô thị.

Trong những ngày qua, ở nhiều địa bàn, lực lượng cảnh sát giao thông hoạt động rất tích cực để phân luồng, điều phối giao thông. Nhưng có một tồn tại dai dẳng mà nếu không thay đổi thì kể cả khi các lực lượng chức năng tích cực vào cuộc, những bất cập được từng bước giải quyết, tình trạng ùn ứ vẫn hoàn ách tắc. Đó chính là: Ý thức kém của không ít người dân.

Thật vậy, di chuyển trên một đoạn phố thôi, mà đã thấy lộn xộn chẳng ra làn, ra lối gì cả. Người ta đã phân làn, có “dải phân cách động” rồi mà xe máy cứ đi ào vào làn ô-tô. Chưa kể hàng chục, hàng trăm xe máy cứ đi ngược chiều rất ngang nhiên. Và rất tệ là khi ùn ứ rồi thì nhiều xe máy vẫn vô tư đi ngược chiều sang làn đối diện làm cho cả hai làn đều ứ cả lại như nút buộc mà không ai thoát ra nổi. Lại nữa, gần Tết, hàng hóa vận chuyển nhiều, mua sắm nhiều, trên đường từ đường to đến đường nhỏ, liên tục bắt gặp cảnh xe máy, ô-tô dừng, đỗ trên lề đường để vào lấy hoặc giao hoặc mua hàng, gây ảnh hưởng đến luồng giao thông chung. Còn nói về vỉa hè thì từ lâu đã trở thành nơi tập kết hàng hóa, đồ đạc, bày bừa, tràn lan ra cả mép đường…

Với ý thức kém, với những hành vi vi phạm trật tự chung như thế, thật khó tin rằng nếu đường có rộng, xe có thưa, thì những tiêu cực, hạn chế khó xảy ra. Đó dường như đã là một tính xấu của rất nhiều người sẵn sàng làm sai, làm trái, vi phạm chỉ để được việc của mình, và chỉ coi đó là chuyện vặt, thậm chí là chính đáng… Sẽ có ngàn lẻ một lý do được đưa ra cho những kiểu sai phạm “vặt” như thế.

Lo lắng về bất cập quy hoạch, giao thông, định hướng phát triển phương tiện giao thông đã là cái lo lớn. Nhưng băn khoăn về ý thức kém của không ít người dân, hộ gia đình trong xã hội, chỉ ngay trong vấn đề giao thông này thôi, cũng đã là một nỗi lo đầy ngao ngán. Cái gốc giải quyết vấn đề là giáo dục, là phổ biến, tuyên truyền thông tin pháp luật, là vận động thực hiện văn minh đô thị, văn hóa nơi công cộng… Mà cách làm sao cho hiệu quả hơn thì tiếp tục trông vào các cơ quan chức năng.