Theo số liệu của Công ty Chứng khoán VPBank (VPS), tổng quy mô nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) của các ngân hàng niêm yết đến cuối quý III/2023 là 73.604 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với quý II/2023. Nếu so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu của top 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tăng lên 2,24% tại cuối quý III/2023 - mức cao nhất kể từ năm 2017.
330.000 tỷ đồng trái phiếu phải đáo hạn
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ nhóm 4-5 có tốc độ tăng trưởng mạnh, nhóm phân tích của VPS cho rằng, thị trường trái phiếu và bất động sản vẫn chưa rã băng từ quý II/2022 đến nay, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn để đảo nợ, đồng thời cũng gây hệ lụy cho hoạt động xử lý nợ xấu. VPS cũng dự báo, nợ xấu toàn ngành ngân hàng trong quý IV/2023 tương đương quý III và sẽ được cải thiện hơn trong đầu năm 2024.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn đưa ra lưu ý nợ xấu có thể phình to hơn trong năm 2024. Sở dĩ, có nhận định này là do hiệu lực của Thông tư 02 về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ vẫn còn hiệu lực. Theo đó, tổng số nợ được Thông tư 02 “hỗ trợ” đang là 140.000 tỷ đồng (chiếm 1,09% tổng tín dụng toàn hệ thống).
Thế nhưng, sự trợ giúp này sẽ hết hiệu lực vào tháng 6/2024 và các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại. Bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm nay không nhiều. Đặc biệt, trong năm 2024, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phải đáo hạn ghi nhận khoảng 330.000 tỷ đồng, chưa bao gồm cộng số trái phiếu vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi.
Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định, khó khăn sẽ còn tiếp diễn với thị trường TPDN trong năm 2024, khi các nhà đầu tư cá nhân chưa quay lại, các cơ quan quản lý chưa xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các định chế tài chính lớn tham gia vào thị trường này.
Ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm thuộc Khối thông tin tài chính của FiinGroup cho biết, ba nhóm TPDN có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hiện nay là bất động sản, vật liệu xây dựng và năng lượng tái tạo. Hiện, đang có 147 tổ chức phát hành vi phạm nghĩa vụ trả lãi, gốc. Tỷ lệ trả chậm chung toàn thị trường trái phiếu phi ngân hàng ở mức 20%.
Theo số liệu của VIS Rating, giá trị trái phiếu chậm trả tính đến tháng 9/2023 là 175.000 tỷ đồng và sẽ tăng lên 195.000 tỷ đồng vào cuối năm, phần lớn là các trái phiếu chậm trả đến từ các ngành hàng đang gặp khó khăn là bất động sản, xây dựng và năng lượng tái tạo.
Do vậy, “nợ xấu sẽ có xu hướng tiếp tục tăng trong năm 2024. Trong đó, bất động sản được cảnh báo là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất khi thị trường suy yếu, khiến các khoản nợ của lĩnh vực này có nguy cơ nhảy nhóm thành nợ xấu nhiều nhất”, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định.
Đánh cược với rủi ro?
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhiều ngân hàng đã bày tỏ lo lắng bằng việc co hẹp phạm vi cho vay, nhất là đối với thị trường TPDN để tập trung vào quản trị rủi ro.
Điều này lý giải cho cán cân tăng trưởng tín dụng không đồng đều diễn ra trong khoảng 11 tháng năm 2023, khi có ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt, được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới hạn mức, có ngân hàng lại ghi nhận mức tăng trưởng thấp, thậm chí âm.
Tuy nhiên, vẫn có những thương vụ sẵn sàng đánh cược với rủi ro. Trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến ba lô trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá 3.000 tỷ đồng của Công ty CP Sài Gòn Capital. Cả ba lô trái phiếu này đều có giá trị 1.000 tỷ đồng, thời hạn 5 năm với mức lãi suất là 12,5%, phát hành trong ba ngày 29/9, 5/10, 8/11/2023.
Trong số này, lô trái phiếu được phát hành ngày 29/9 gây chú ý hơn cả khi trước thời điểm phát hành một ngày (28/9/2023), Sài Gòn Capital đã sử dụng toàn bộ quyền tài sản và lợi ích phát sinh từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Hiệp Phong Việt Nam (chủ đầu tư Khu đô thị Our City tại phường Hải Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) để thế chấp cho giao dịch tín dụng tại một ngân hàng.
Đồng thời, toàn bộ số dư và các quyền tài sản phát sinh từ tài khoản chuyên thu quản lý việc huy động vốn từ trái phiếu được phát hành của Sài Gòn Capital bảo đảm mở tại ngân hàng này. Cần phải nhắc lại rằng, tổ chức lưu ký tất cả các lô trái phiếu vừa phát hành của Sài Gòn Capital là công ty cổ phần chứng khoán của chính ngân hàng đó.
Những giao dịch tín dụng này hé lộ mục tiêu huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu trên của Sài Gòn Capital là để đầu tư vào dự án Khu đô thị Our City. Tất nhiên, khả năng 2.000 tỷ đồng phát hành sau cũng là để phục vụ dự án này là điều hoàn toàn có thể. Đây là một hoạt động hoàn toàn bình thường đối với một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất trong thương vụ này là, dù được thành lập năm 2019, có vốn điều lệ là 590 tỷ đồng nhưng đến nay, mọi hoạt động của Sài Gòn Capital chỉ xoay quanh việc ba lần “sang tên đổi chủ”. Hiện, ông Hoàng Văn Minh (SN 1989) đang là Tổng Giám đốc đương nhiệm.
Điều này cũng minh chứng một điều, nhờ có “bà đỡ” ngân hàng, Sài Gòn Capital mới dễ dàng tiếp cận nghìn tỷ đồng từ kênh trái phiếu một cách nhanh chóng, thuận lợi như vậy, nhất là trong bối cảnh hoạt động này đang bị siết chặt. Việc một ngân hàng sẵn sàng cung ứng hàng nghìn tỷ đồng vốn cho một dự án gần như “đắp chiếu” trong suốt 15 năm (mới xây dựng được 8 ha/tổng diện tích
43 ha), cũng cho thấy “khẩu vị rủi ro” của ngân hàng này ở mức cao.
Còn về Công ty TNHH Hiệp Phong Việt Nam, hiện do ông Nguyễn Đắc Điềm (SN 1958) là Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật. Ông Điềm còn được biết đến với vai trò là Chủ tịch HĐQT Hưng Ngân Group (Công ty CP Đầu tư nhà và thương mại Hưng Ngân), có địa chỉ trụ sở chính tại quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Tuy nhiên, sau khi Hiệp Phong tăng vốn lên 910 tỷ đồng vào tháng 6/2023, ông Điềm đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình cho hai cá nhân là ông Nguyễn Hồng Trường (SN 1994, nhận 80% vốn) và bà Dương Thị Thoa (nhận 20% vốn), “ghế” Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật được nhường lại cho ông Nguyễn Hồng Trường.
Nhìn vào có thể thấy, Sài Gòn Capital và Hiệp Phong Việt Nam nói riêng, hay Hưng Ngân Group nói chung đơn thuần chỉ là mối quan hệ đối tác, nhưng thực tế lại có những mối quan hệ chặt chẽ giữa những cá nhân.