Thực chất, không chạy theo thành tích
Tây Ninh - một trong sáu tỉnh vùng Đông Nam Bộ và một trong chín tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có dân số hơn 1,1 triệu người, trong đó có 21 dân tộc thiểu số, chiếm 1,69% dân số toàn tỉnh. Hiện, Tây Ninh đã có 61/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 17/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 là 1,09%, nghèo thu nhập là 0,32% và không có huyện nghèo. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, hiện Tây Ninh chỉ có một xã khu vực I (xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều nội dung trong các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, đặc biệt là Chương trình về giảm nghèo bền vững, Chương trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ không được ưu tiên, có ít chính sách và nguồn vốn được đầu tư thực hiện. Cụ thể, tổng kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh là 2.983,688 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 480,543 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 2.503,145 tỷ đồng, chủ yếu phân bổ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới (98,7% vốn đầu tư công và 46,7% vốn sự nghiệp).
Trong khi đó, Trà Vinh - tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng xâm nhập mặn, trong điều kiện còn nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng sau hơn một năm triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình cho biết, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 5.404 hộ nghèo, chiếm 1,88% tổng số hộ dân cư toàn tỉnh, giảm 1,68% so với năm trước; 10.905 hộ cận nghèo (chiếm 3,8%). Tỉnh đã tạo việc làm mới cho 23.000 lao động, đưa 915 lao động đi làm việc ở nước ngoài; tuyển sinh đào tạo nghề cho 15.501 người. Đến tháng 6/2023, các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới đều hoàn thành đạt và vượt, trong đó: 8/9 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; ba xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 636/640 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa, ấp nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 99,38%, trong đó có 66 ấp nông thôn mới kiểu mẫu.
Xác định rõ việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm, thường kỳ, Tây Ninh và Trà Vinh đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ, tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Cùng với đó, đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn nhằm triển khai thực hiện. Điều này góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn. Đời sống người dân được cải thiện, nâng cao, góp phần giảm nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, địa phương. Quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn được thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả, “lấy thực chất chứ không chạy theo thành tích”. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, gây ảnh hưởng đến kết quả chung. Thí dụ, Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 vừa tăng số lượng chỉ tiêu, tiêu chí, vừa tăng mức độ yêu cầu đạt chuẩn. Một số chỉ tiêu, tiêu chí Trung ương quy định tỷ lệ quá cao, chưa sát với thực tế địa phương. Trong khi đó, tiến độ hoàn thành các tiêu chí còn chậm, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương đạt chuẩn theo bộ tiêu chí nông thôn mới ở giai đoạn trước, đến nay chưa đáp ứng được một số yêu cầu của bộ tiêu chí mới. Một số công trình hạ tầng chưa thật sự được quan tâm, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên đang xuống cấp.
Đây cũng là những khó khăn mà Trà Vinh đang gặp phải. Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cũng cho hay, nguồn vốn để thực hiện chương trình trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc ngân sách Trung ương, nên các địa phương còn gặp khó khăn trong thực hiện các công trình phục vụ xây dựng nông thôn mới. Công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, công tác quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ, nên xảy ra tình trạng nhiều địa phương chuyển đổi thiếu kiểm soát tạo ra nhiều rủi ro. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học được xem là giải pháp đột phá, nhưng hiệu quả chưa cao, bộc lộ nhiều hạn chế, do đó khó khăn trong gắn kết với thị trường…
Đưa các chương trình đến với người dân hiệu quả hơn
Qua khảo sát thực tế các chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Tây Ninh và Trà Vinh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, những kết quả đạt được thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chung của các địa phương; đặc biệt là sự vào cuộc, nỗ lực thoát nghèo, vươn lên của người dân. Những khó khăn, vướng mắc mà Tây Ninh, Trà Vinh đang gặp phải cũng cho thấy rõ hơn những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên cả nước.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng đề nghị, các địa phương cần làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc đã được chỉ ra, đồng thời chú trọng thực hiện đúng các yêu cầu, bảo đảm chất lượng, ưu tiên các nội dung về hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo có nhà ở. Đặc biệt, quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nên cần cơ chế riêng để tháo gỡ, từ đó góp phần đưa các chương trình đến với người dân đạt hiệu quả cao hơn.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Kim Nhung, khảo sát tại các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp; xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc cho thấy, hiện nay Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới có nhiều thay đổi và nâng cao hơn, trong đó nhiều nội dung vẫn chưa có hướng dẫn hoặc chưa phù hợp đặc thù của địa phương. Để triển khai hiệu quả, các địa phương cần phân tích, làm rõ hơn khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra, nhất là trong bối cảnh các tiêu chí mới khó khăn hơn trước và các hướng dẫn cũng chưa được ban hành đầy đủ. Trong số đó có việc thực hiện các nguyên tắc theo Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, đó là: đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên nguồn lực cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã đạt dưới 15 tiêu chí...
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, các địa phương cần khẩn trương nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản về quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc giám sát cộng đồng đối với tình hình triển khai thực hiện đối với các cấp cơ sở trong quản lý, sử dụng nguồn ngân sách, nguồn huy động đóng góp thực hiện. Bên cạnh đó, tiếp tục xác định công tác tuyên truyền, vận động là việc làm thiết thực, thường xuyên và liên tục.