Bước tiến mới tới châu Phi

Ngày 18/12 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) và Kenya đã ký thỏa thuận thương mại tự do (FTA) nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông giữa hai thị trường. Đây là thỏa thuận thương mại lớn đầu tiên giữa EU và một quốc gia châu Phi kể từ năm 2016, tạo đà để EU thâm nhập sâu hơn vào thị trường giàu tiềm năng của “lục địa đen”.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn: GIS CARTOONS
Nguồn: GIS CARTOONS

Theo AP, phát biểu ý kiến tại lễ ký kết ở Nairobi dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Tổng thống Kenya William Ruto nhấn mạnh: Đây là sự khởi đầu của mối quan hệ đối tác lịch sử cho một sự chuyển đổi lịch sử.

FTA giữa EU và Kenya được đàm phán trong thời gian dài và thông qua hồi tháng 6 vừa qua, bảo đảm cho các sản phẩm của Kenya được miễn thuế và không hạn ngạch khi tiếp cận thị trường châu Âu, đồng thời giảm thuế đối với các sản phẩm châu Âu xuất khẩu sang quốc gia Đông Phi này. Hiệp định thể hiện mong muốn của EU nhằm củng cố mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn trên “lục địa đen”. Theo Chủ tịch EC, mối quan hệ đối tác giữa EU và Kenya là quan hệ “đôi bên cùng có lợi”.

Sau khi ký kết, FTA EU - Kenya cần được Nghị viện châu Âu (EP) và Quốc hội Kenya phê chuẩn. Tại Hội nghị cấp cao EU vào tuần trước, các nhà lãnh đạo EU đánh giá hiệp định này là mối quan hệ đối tác kinh tế đầy tham vọng nhất mà EU ký kết với một quốc gia đang phát triển. Thỏa thuận cũng bao gồm các cam kết về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và quyền lao động.

Theo số liệu chính thức, EU chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Kenya, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp như trái cây và rau, quả cũng như trà và cà-phê, vốn là những nông sản nổi tiếng của nước này. Tổng kim ngạch thương mại giữa hai thị trường đạt 3,3 tỷ euro (3,6 tỷ USD) vào năm 2022, tăng 27% kể từ năm 2018.

Giới phân tích nhận định rằng, việc ký FTA với Kenya là bước đà để EU dịch chuyển gần hơn tới thị trường nhiều tiềm năng của châu Phi. Trước đó, hồi tháng 3, EC đã công bố gói viện trợ nhân đạo mới trị giá 50 triệu euro cho khu vực này. Gói viện trợ sẽ giúp chống lại tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, khả năng sẵn sàng ứng phó thảm họa và thúc đẩy giáo dục trong trường hợp khẩn cấp trên toàn châu Phi.

Châu Phi đang được coi là “một miền đất của cơ hội” với những lợi thế và tiềm năng có sức hút lớn. Với diện tích và dân số đáng kể, châu Phi còn sở hữu nguồn lao động dồi dào. Theo ước tính, vào năm 2040, cứ ba người trên thế giới trong độ tuổi từ 15 đến 24 sẽ có một người đến từ châu Phi. “Lục địa đen” còn nắm giữ lượng lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của thế giới như dầu mỏ, khí đốt, than và giàu tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo như sinh khối, năng lượng mặt trời, gió…

Nền kinh tế châu Phi đang đứng trước cơ hội bùng nổ lớn, khi GDP của toàn châu lục đã tăng gấp rưỡi trong một thập kỷ qua. Các nhà kinh tế dự báo trong 10 năm tới, châu Phi sẽ phát triển nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới và có thể sẽ đảm trách động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa sau thế kỷ này.

Với nguồn lực như vậy, dễ hiểu vì sao EU khó có thể đứng ngoài cuộc cạnh tranh chiến lược với các cường quốc thế giới tại châu Phi. Từ đầu năm đến nay, khu vực này liên tiếp chứng kiến những sự kiện hợp tác lớn, như Hội nghị cấp cao Mỹ-châu Phi hồi đầu năm, với cam kết của Washington rằng “một châu lục thịnh vượng không chỉ có lợi cho châu Phi mà sẽ giúp củng cố sức mạnh của Mỹ cũng như nền kinh tế toàn cầu”. Tại Hội nghị cấp cao Nga – châu Phi lần thứ hai diễn ra ở thành phố St.Petersburg hồi tháng 7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cao vai trò của các quốc gia châu Phi, đồng thời khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác giữa Moscow và châu lục. Trung Quốc và Ấn Độ cũng ngày càng bày tỏ thiện chí nâng cao quan hệ hợp tác nhiều mặt với châu Phi trên tinh thần “cùng phát triển, cùng có lợi”.

Do đó, FTA với Kenya nói trên được xem là bước tiến mới của EU tới châu Phi, trên chặng đường “khai phá” tiềm năng của khu vực.