Bước đi hóa giải căng thẳng hậu Brexit

Sau nhiều tháng đàm phán cam go, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận mới về Nghị định thư Bắc Ireland, bước đi được kỳ vọng giúp chấm dứt tranh cãi thời hậu Brexit liên quan vấn đề Bắc Ireland, cũng như cải thiện quan hệ giữa London và EU.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: PETER SCHRANK
Biếm họa: PETER SCHRANK

BBC cho biết, Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 27/2 đã đồng ý với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen về các điều khoản liên quan quy tắc thương mại thời hậu Brexit (Anh rời EU) cho Bắc Ireland. Mặc dù thỏa thuận mới chưa được chính thức công bố, nhưng các nguồn tin trong Chính phủ Anh nói rằng bản thỏa thuận mới dài hơn 100 trang, trong đó có một số sửa đổi chính như EU không yêu cầu chứng nhận đầy đủ về hải quan và sức khỏe động vật tại biên giới đối với các sản phẩm được đăng ký và dán nhãn “NI-Only” (chỉ tiêu thụ tại Bắc Ireland) từ Anh sang Bắc Ireland; EU chấp nhận nới lỏng quy định đối với cư dân Bắc Ireland nhận bưu kiện từ Anh qua đường bưu điện, dỡ bỏ hạn chế hộ chiếu thú cưng cho phép cư dân Vương quốc Anh đưa thú cưng của họ đến Bắc Ireland mà không cần hộ chiếu thú cưng như đi du lịch đến EU hiện tại. Đồng thời, London nhất trí sửa đổi quy định về hạn ngạch thép từ Anh sang Bắc Ireland công bố vào tháng 8/2022 và mức thuế dự kiến có thể lên tới 25%.

Thỏa thuận mới dự kiến sẽ giảm bớt việc kiểm tra thực tế đối với hàng hóa vận chuyển từ Anh đến Bắc Ireland và giúp các nhà lập pháp của Bắc Ireland có quyền quyết định đối với một số quy tắc thương mại mà EU áp đặt lên vùng này, theo các điều khoản của thỏa thuận Brexit. Chính phủ Anh cũng có thể đặt ra một số quy định về thuế và viện trợ nhà nước.

Nghị định thư Bắc Ireland là một phần quan trọng trong thỏa thuận Brexit, cho phép Bắc Ireland nằm trong thị trường hàng hóa chung của EU nhằm tránh một biên giới cứng trên đảo Ireland. London và Brussels đã đẩy nhanh các cuộc đàm phán giữa hai bên trong những tuần gần đây nhằm đạt một thỏa thuận để giảm thiểu tác động của Nghị định thư Bắc Ireland.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Anh James Cleverly tuyên bố, nước này sẽ không ký thỏa thuận sửa đổi quy chế thương mại của Bắc Ireland hậu Brexit với EU nếu không có sự ủng hộ của đảng Hợp nhất dân chủ (DUP), chính đảng ủng hộ London lớn nhất tại Bắc Ireland. Anh cần sự ủng hộ của DUP đối với thỏa thuận để khôi phục chính phủ chia sẻ quyền lực của Bắc Ireland mà đảng này hiện tẩy chay để phản đối Nghị định thư.

Hồi đầu tháng 2, Chính phủ Anh thông báo sẽ gia hạn thêm một năm để Bắc Ireland tổ chức bầu cử và thành lập chính quyền mới do những bế tắc liên quan thỏa thuận hậu Brexit. Theo thông báo, Anh sẽ lùi thời hạn chót để các đảng ở Bắc Ireland thành lập chính quyền đến ngày 18/1/2024, song vẫn sẽ bảo lưu quyền kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử vào bất cứ thời điểm nào từ nay đến thời gian nói trên.

Bắc Ireland đã không có chính quyền hoạt động kể từ tháng 2, sau khi đảng Hợp nhất dân chủ tẩy chay việc chia sẻ quyền lực tại khu vực để phản đối Nghị định thư Bắc Ireland, cho rằng thỏa thuận này làm suy yếu vị thế của Bắc Ireland trong Vương quốc Anh. DUP tuyên bố sẽ không tham gia cơ quan hành pháp chia sẻ quyền lực theo luật định ở Bắc Ireland cho đến khi các vấn đề về Nghị định thư Bắc Ireland được giải quyết.

Do vậy, thỏa thuận mới được kỳ vọng là bước đi quan trọng nhằm giải quyết những mâu thuẫn, căng thẳng do việc thực thi các thỏa thuận hậu Brexit đối với vùng Bắc Ireland của Anh và duy trì biên giới mở của nước này với Ireland, thành viên EU. Tuy nhiên, dư luận vẫn đang chờ đợi xem liệu thỏa thuận mới này có thể chấm dứt bế tắc chính trị ở Bắc Ireland và làm dịu những ý kiến chỉ trích Anh ở vùng này hay không. Ngoài ra, việc đạt thỏa thuận được coi là chiến thắng giúp củng cố vị thế của Thủ tướng Sunak trong đảng Bảo thủ cầm quyền, trong bối cảnh đảng Bảo thủ đang bị Công đảng đối lập bỏ xa trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào năm 2024.