Bước đi cần thiết

Hãng thông tấn Mizan của Iran ngày 22/5 đưa tin Iran đã bổ nhiệm ông Alireza Enayati làm đại sứ nước này tại Saudi Arabia.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: ERHAN YALVAC
Biếm họa: ERHAN YALVAC

Trong khi đó, chính quyền Riyadh cũng có kế hoạch tương tự. Đây là động thái đầu tiên nhằm tái khởi động quan hệ giữa hai quốc gia thuộc khu vực Tây Á này.

Ngày 10/3 vừa qua, Iran và Saudi Arabia đã nhất trí thiết lập lại quan hệ ngoại giao theo một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian. Hai bên cam kết mở lại đại sứ quán và các cơ quan đại diện tại mỗi nước trong vòng hai tháng, cũng như thực hiện những thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh đã ký kết hơn 20 năm trước. Đầu tháng 4, hai nước chính thức tuyên bố nối lại quan hệ ngoại giao và có hiệu lực lập tức. Hai bên đều bày tỏ quyết tâm sớm bình thường hóa quan hệ khi ngày 13/5, Bộ Ngoại giao Iran cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao nước này Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, đã điện đàm về tiến độ mới nhất trong việc thực hiện thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian.

Về phần mình, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud cho biết, Riyadh rất lạc quan về tương lai của quan hệ song phương và có thái độ tích cực đối với những nỗ lực nhằm phát triển và củng cố mối quan hệ này. Ông bày tỏ hy vọng việc bổ nhiệm đại sứ tại hai nước sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác song phương. Cuối tháng 4 vừa qua, Tổ chức Hàng không dân dụng Iran (CAO) đã nhận được đề nghị của Saudi Arabia về việc mở các chuyến bay thường xuyên giữa hai nước. Ðây là cơ sở để hai nước đi đến quyết định thiết lập đường bay trực tiếp.

Quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia từng bị gián đoạn năm 2016, sau khi xảy ra vụ người biểu tình Iran tấn công trụ sở các phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia tại nước này, liên quan việc Riyadh tử hình giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite Nimr al-Nimr. Hai nước cũng bất đồng về các cuộc xung đột ở Syria và Yemen.

Do đó, việc Iran và Saudi Arabia mở lại đại sứ quán được đánh giá là bước đi cần thiết đầu tiên nhằm làm “tan băng” trong mối quan hệ giữa hai nước, chấm dứt thế cô lập Iran ở khu vực của các quốc gia Arab, mở ra cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại cho cả hai phía, đồng thời giúp tìm ra giải pháp cho các cuộc xung đột ở Trung Ðông.