Ở đó, đối diện nhau, chỉ còn lại sự sòng phẳng giữa người dạy và người học, giữa gia đình, xã hội và cơ sở đào tạo, giữa ý chí và kết quả, để rồi ngày sau, một chút hành trang bước vào cuộc đời quanh co sẽ thuận lợi hơn hay khó khăn thêm mà thôi.
Suy cho cùng, tấm bằng đào tạo cũng chỉ là một trong những chiếc vé thông hành phổ cập của cuộc đời. Trung bình, Khá, Giỏi, hay Xuất sắc; Chính quy, Tại chức hay Đào tạo từ xa cũng chỉ giúp chủ nhân của nó gây ấn tượng tốt hơn trong ngắn hạn, còn muốn dấn thêm nhiều bước nữa và muốn đạt được thành công trong cuộc sống thì là cả một quá trình nỗ lực tự thân rất lớn. Bạn phải chứng minh sự phù hợp của bạn không chỉ với những đánh giá và phân loại trên văn bằng, mà là chứng minh sự phù hợp, thích nghi, logic của bạn với tập thể, với công việc, với xu thế phổ biến và thậm chí với cả thời đại mà bạn đang sống. Trường đời có thể dạy bảo cho bạn những kinh nghiệm phong phú, đa dạng và gay cấn hơn rất nhiều lần những giá trị mà tấm văn bằng đào tạo có thể bảo đảm cho bạn.
Hơn nữa, các nước phát triển đã có nhiều kinh nghiệm làm như vậy, thì Việt Nam cũng nên nghiên cứu, học hỏi. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta muốn học họ đến đầu đến đũa hay chỉ là một chút hình thức “cho vui”?
Ở những trường đại học danh tiếng trên thế giới, họ cấp bằng bao gồm những bảo đảm về uy tín, danh dự được xây dựng hàng trăm năm. Trong khi những cơ sở đào tạo danh tiếng này lại là sản phẩm được những nền giáo dục có truyền thống bảo đảm cung cấp cho thị trường quốc tế đội ngũ nhân lực chất lượng. Đó là một hệ thống quản lý chất lượng giáo dục đào tạo được xây dựng bài bản, khoa học, chặt chẽ và dĩ nhiên, được đầu tư xứng đáng.
Để học những kinh nghiệm quý của các nền giáo dục uy tín quốc tế quả thật rất tốt, nhưng các bước đi về quản trị chất lượng tốt nghiệp và sự đầu tư cần tương xứng.
Có thể đó là chút băn khoăn, nhưng vẫn đáng hoan nghênh dấu hiệu dũng cảm tiệm cận trình độ bảo đảm quốc tế của ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam.