Theo CNN, chỉ trong vòng một thế kỷ qua, sa mạc Sahara đã mở rộng hơn 10%. Ước tính, diện tích bao phủ của sa mạc này hiện lên tới hơn 8,6 triệu km² và trải rộng qua 11 nước Bắc Phi. Việc sa mạc mở rộng đã gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề. Nước vốn đã khan hiếm trở nên ngày càng ít hơn. Chất lượng đất dần xuống cấp. Việc thiếu cây cối cũng dẫn tới mất an ninh lương thực. Theo số liệu của LHQ, khoảng 135 triệu người đang hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng nói trên.
Trước tình hình đó, từ năm 2007, Liên minh châu Phi (AU) đã đề ra sáng kiến “Bức tường xanh” hướng tới khôi phục 100 triệu ha đất giữa Senegal ở hướng tây và Djibouti ở hướng đông, tạo ra hàng cây rộng 15 km và dài hơn 8.000 km. Tuy nhiên, sáng kiến này sau đó bị đình trệ vì khó khăn tài chính. Tháng 1 vừa qua, Pháp, Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều tổ chức tài chính đã quyết định tài trợ khoản kinh phí mới lên tới 14 tỷ USD nhằm tái khởi động chiến dịch nói trên. Con số này chiếm gần một nửa tổng kinh phí 33 tỷ USD mà LHQ ước tính cần sử dụng để đạt mục tiêu hoàn thành bức tường bằng cây xanh vào năm 2030.
Ông Elvis Paul Tangem, điều phối viên sáng kiến “Bức tường xanh” của Ủy ban AU cho biết: “Chúng tôi mất hơn một thập kỷ để thỏa thuận với các nước và lập mọi kế hoạch. Nhưng giờ đây chúng tôi đã đặt xong nền móng. Chúng tôi đang theo dõi những gì làm được và chưa làm được. Đến nay, bốn triệu ha đất đã được phục hồi, chỉ 4% con số đề ra. Tuy nhiên, chúng tôi đang trên đường hoàn thành mục tiêu”.
Ngoài cải tạo đất, mục tiêu của dự án còn bao gồm tạo ra 10 triệu việc làm ở vùng nông thôn. Đến nay, giai đoạn ban đầu của dự án “Bức tường xanh” đã cung cấp hơn 335.000 việc làm, thu nhập từ trồng rừng và cây ăn quả đạt 90 triệu USD.