Cửa biển quá nông
Ông Trần Thiện Nhân, cán bộ Ban Quản lý cảng cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cho biết: Mấy năm gần đây do thời tiết khô hạn nên tình trạng bồi lấp cửa biển càng trở nên nghiêm trọng hơn. Hiện cửa biển Cửa Tùng bị thu hẹp luồng, tàu ra vào rất khó khăn là do cát bồi lắng. Các tàu xa bờ thì hoàn toàn không thể ra vào, nhất là các tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/CP của ngư dân xã Trung Giang (Gio Linh) do loại tàu này có độ đáy luồng tối thiểu phải từ 2,5 m. Do không thể cho tàu đi vào cảng nên ngư dân phải chọn cách sử dụng các tàu có công suất nhỏ hơn, từ 45 CV đến 60 CV để trung chuyển hàng hóa vào cảng xuất bán...
Theo một số ngư dân ở vùng biển huyện Vĩnh Linh, do tại khu vực cửa biển Cửa Tùng, chế độ bán nhật triều (một ngày nước lên xuống hai lần), thời điểm khi nước cao chỉ được 0,6 m so cốt 0,0 hệ hải đồ, nhưng khi nước thấp chỉ còn 0,2 m. Để tránh rủi ro, những ngư dân có tàu cá công suất lớn thường chờ lúc thủy triều lên mới cho tàu vào cập bến. Tuy nhiên, ngư dân lo lắng nhất là những lúc chạy tránh bão, không có thời gian để chờ thủy triều nên nhiều khi bão sắp đến mà tàu thì bị mắc cạn, rất nguy hiểm!
Theo Cảng trưởng Cảng cá Cửa Tùng Nguyễn Tiến Long, do hiện tượng bồi lấp nên hiện tại tuyến luồng nhiều điểm chỉ còn độ sâu từ 1,2 đến 1,5 m, tàu cá có công suất dưới 90 CV nếu không quen luồng lạch ra vào sẽ rất khó khăn. Thực tế đã có một số tàu, đặc biệt là tàu ngoài tỉnh bị mắc cạn, hư hỏng chân vịt, bánh lái… khi ra vào cảng.
Ngoài ra, do lượng cát bồi lấp mạnh các luồng lạch, nên cũng xuất hiện không ít khó khăn cho tàu thuyền mỗi lần cập cảng. Ngày trước khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Cửa Tùng rất thuận lợi vì đây là vịnh tự nhiên, khuất gió, nhưng sau khi lấp vịnh xây cảng cá kết hợp khu dịch vụ hậu cần neo đậu tàu, thuyền như hiện nay thì khu vực này thường xuyên chịu lực va đập mạnh của sóng biển đánh trực diện nên mùa mưa bão tàu, thuyền khó neo đậu tránh trú bão ở đây được.
Không chỉ tại Cửa Tùng, cửa biển Cửa Việt (Gio Linh), nơi có đội tàu xa bờ lớn nhất của tỉnh Quảng Trị cũng trong tình trạng bị cát bồi lấp, xâm lấn ngày một nghiêm trọng. Theo bà con ngư dân địa phương, tại hai cửa biển này, từ năm 2010 đến nay có hàng chục tàu thuyền trong và ngoài tỉnh Quảng Trị bị mắc cạn và bị đắm, gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, nhiều tàu cá của tỉnh Quảng Trị, trong đó có nhiều tàu cá công suất lớn phải nằm bờ vì không thể ra vào cảng.
Nhiều tàu cá mắc cạn
Sau hơn 10 ngày đánh bắt trên biển, tàu cá QB 92159 TS, công suất 400 CV của ngư dân Hồ Văn Thu đang trên đường vào cảng Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) để nhập hàng và tiếp nhiên liệu thì bị mắc cạn. Theo tính toán của anh Thu, việc trục vớt tàu đòi hỏi thời gian dài và phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng, trong khi gia đình anh đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, rủi ro hư hỏng tàu là không thể tránh khỏi...
Cùng thời điểm này, năm trước tàu cá của anh Phan Thanh Đạo, ở thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh) chuẩn bị ngư lưới cụ, lương thực và thực phẩm để đi biển đánh bắt hải sản dài ngày, nhưng tàu của anh không thể ra khơi được do cửa biển bị bồi lấp nặng. Anh Đạo cho biết: “Từ giữa tháng 4, tôi đã mua đủ lượng dầu máy, đá lạnh và hợp đồng với bạn thuyền để chuẩn bị đi đánh bắt xa bờ dài ngày nhưng do cửa biển quá cạn, tàu không thể ra khơi được. Đầu tư mua sắm tàu, ngư lưới cụ hàng trăm triệu đồng nhưng không ra khơi đánh bắt được nên gia đình tôi gặp nhiều khó khăn”.
Ngư dân Hồ Văn Hoàng, ở xã Trung Giang (Gio Linh) vay ngân hàng 20 tỷ đồng đóng mới con tàu sắt có công suất hơn 800 CV nhưng không ra khỏi cửa biển được mà nằm ì tại bến. Anh Hoàng cho biết: Do tính chuyện đi biển dài ngày nên ngoài số tiền bốn anh em góp lại, chúng tôi vay thêm ngân hàng đóng mới được con tàu sắt 800 CV. Đầu vụ cá, thời tiết thuận lợi, chúng tôi nóng lòng ra khơi đánh bắt hải sản nên liên tục kiểm tra luồng lạch, nhưng thấy cửa biển đang bị bồi lấp nặng, mực nước quá cạn, không biết khi nào thì tàu có thể xuất bến được.
Tàu vỏ thép có công suất lớn không thể ra khơi do cửa biển bị bồi lấp nghiêm trọng.
Tình trạng cửa biển ở Cửa Tùng bị bồi lấp không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân trực tiếp đánh bắt trên biển mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến người dân làm các dịch vụ hậu cần nghề cá do tàu của các tỉnh bạn sau khi đánh bắt về không vào cảng cá Cửa Tùng mà chuyển sang các cảng cá lân cận. Chị Nguyễn Thị Na làm nghề bốc vác thủy hải sản từ tàu lên bờ cho ngư dân ở cảng cá Cửa Tùng buồn bã nói: “Cửa biển bị bồi lấp, ngư dân không thể ra khơi, thì những người sống bằng dịch vụ hậu cần nghề cá ở đây cũng không có việc để làm. Chúng tôi mong chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sớm có giải pháp khơi thông luồng lạch để tàu ra vào cảng thuận lợi, giúp ngư dân ổn định cuộc sống”.
Nói về việc cửa biển Cửa Tùng bị bồi lấp nghiêm trọng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Huân cho biết: Trước đây, cảng cá này xây dựng cho tàu có công suất dưới 200 CV ra vào. Hiện nay, tàu cá, tàu hàng có công suất lớn hơn nhiều đòi hỏi mớn nước phải sâu hơn, nên cần phải có luồng lạch sâu để tàu ra vào không bị mắc cạn... Trước thực trạng cửa biển bị bồi lấp, Sở đang có phương án xây lại cảng cá và nạo vét những bồi lắng để cho tàu ra vào thuận lợi. Còn giải pháp về lâu dài, cần phải có đánh giá tổng thể về hiện tượng bồi lấp này, cũng như các giải pháp có tính bền vững. Trong đó chú ý đến dòng chảy và hiện tượng bồi lắng...
Bước vào vụ cá năm nay, nhiều chủ tàu tại tỉnh Quảng Trị đang đứng trước nỗi lo mất an toàn trước mỗi chuyến ra khơi. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị cần sớm có giải pháp nạo vét, xử lý triệt để tình trạng bồi lấp tại các cửa biển trên để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển và tránh trú an toàn vào mỗi mùa mưa bão.