Biện pháp ổn định hệ thống ngân hàng Mỹ

Các hãng xếp hạng tín nhiệm hạ triển vọng đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng của Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, kịch bản khủng hoảng lan rộng ít có khả năng xảy ra, nhất là sau những nỗ lực của giới chức và các ngân hàng tư nhân Mỹ nhằm vực dậy niềm tin vào hệ thống ngân hàng.
0:00 / 0:00
0:00
Trước nguy cơ sụp đổ của ngân hàng First Republic, các cơ quan tài chính Mỹ đã có phương án hỗ trợ. Ảnh: CNN
Trước nguy cơ sụp đổ của ngân hàng First Republic, các cơ quan tài chính Mỹ đã có phương án hỗ trợ. Ảnh: CNN

Sáng kiến của các ngân hàng tư nhân

Theo AFP, nhóm 11 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ ngày 16/3 đã tuyên bố cùng hành động để hỗ trợ ngân hàng First Republic, qua đó làm dịu đi những lo ngại về khả năng First Republic có thể là ngân hàng tiếp theo trong chuỗi phá sản sau Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB). Trước đó, ngày 10/3, SVB - một trong những ngân hàng lớn nhất tại Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ phải đóng cửa. Hai ngày sau, cơ quan quản lý ngân hàng bang New York thông báo đóng cửa một ngân hàng khác là SB. Điểm chung dẫn đến sự sụp đổ của SVB và SB là hầu hết các khoản tiền gửi tại hai ngân hàng này đều vượt quá mức được bảo hiểm bởi Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC).

First Republic được thành lập năm 1985, là ngân hàng lớn thứ 14 của Mỹ tính theo tài sản, với 212 tỷ USD vào cuối năm 2022. Ngân hàng này có trụ sở chính tại San Francisco và các chi nhánh ở Bờ Đông bao gồm New York và Florida, cũng như ở các bang phía tây như Washington. First Republic được biết đến là ngân hàng tư nhân và quản lý tài sản. Việc First Republic có một tỷ lệ lớn tiền gửi không được bảo hiểm khiến ngân hàng này bị giám sát chặt chẽ sau sự sụp đổ của SVB và SB.

Nhóm 11 ngân hàng tư nhân Mỹ trong đó có cả các tên tuổi lớn như Bank of America, Citigroup và JPMorgan Chase tuyên bố sẽ gửi 30 tỷ USD vào First Republic. Trong đó, mỗi ngân hàng lớn như Bank of America, Citigroup, JPMorgan Chase và Wells Fargo sẽ gửi 5 tỷ USD vào First Republic, trong khi Goldman và Morgan Stanley sẽ gửi 2,5 tỷ USD mỗi ngân hàng. Ngoài ra, một nhóm 5 ngân hàng khác, trong đó có PNC Bank và US Bank, mỗi bên sẽ gửi 1 tỷ USD.

Trong thông báo chung, nhóm 11 ngân hàng trên cho biết, việc các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ quyết định hỗ trợ First Republic thể hiện niềm tin vào hệ thống ngân hàng của Mỹ. Nhà sáng lập First Republic Jim Herbert và Giám đốc điều hành Mike Roffler nhấn mạnh, sự hỗ trợ tập thể này đã tăng cường khả năng thanh khoản của ngân hàng và phản ánh niềm tin đối với First Republic cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ. Lãnh đạo của Bộ Tài chính, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), FDIC và Văn phòng Kiểm soát tiền tệ Mỹ cũng hoan nghênh quyết định trên của nhóm ngân hàng, nhấn mạnh điều này thể hiện khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng.

Hành động xoa dịu từ FED

Quyết định giải cứu First Republic của các ngân hàng hàng đầu nước Mỹ được đưa ra sau khi FED và các cơ quan quản lý thực hiện một loạt biện pháp khẩn cấp để trấn an người gửi tiền vào hai ngân hàng SVB và SB. Để bảo vệ tất cả người gửi tiền tại SVB, FDIC đã chuyển tất cả khoản tiền gửi tại SVB sang “ngân hàng cầu nối” vừa được thành lập mang tên Silicon Valley Bridge Bank. Silicon Valley Bridge Bank hiện hoạt động dưới quyền tài phán của FDIC và không nằm trong hồ sơ xin bảo hộ phá sản của tập đoàn SVB Financial Group. Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng nêu rõ tiền gửi tại SB còn nguyên vẹn. FDIC cũng đã lập một “ngân hàng cầu nối” với SB nhằm tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận với nguồn tiền của mình. Theo FDIC, toàn bộ khách hàng sử dụng dịch vụ gửi và vay tiền của SB sẽ tự động trở thành khách hàng của “ngân hàng cầu nối”.

Trong thông cáo báo chí ngày 16/3, FED cho biết, đã thiết lập chương trình cho vay với kỳ hạn lên tới một năm có tên Bank Term Funding Program (BTFP) nhằm xoa dịu căng thẳng trong hệ thống tài chính. FED nhấn mạnh, chương trình này cung cấp thêm nguồn vốn cần thiết để bảo đảm các ngân hàng có khả năng đáp ứng nhu cầu của tất cả người gửi tiền. FED kỳ vọng, BTFP sẽ là một nguồn thanh khoản bổ sung đối với các chứng khoán chất lượng cao, giúp loại bỏ khả năng các tổ chức phải bán các chứng khoán đó trong trường hợp vấp phải khó khăn tài chính.

Cũng theo thông cáo của FED, sau khi nhận được khuyến nghị từ Hội đồng quản trị của FDIC và FED, cũng như tham khảo ý kiến ​​của Tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen đã phê duyệt các hành động để FDIC hoàn thành các nghị quyết của mình về SVB và SB, qua đó đưa ra biện pháp bảo vệ đầy đủ tất cả khách hàng với các khoản tiền gửi cả được bảo hiểm và không được bảo hiểm. FED cho rằng, những hành động này sẽ làm giảm căng thẳng trên toàn hệ thống tài chính, hỗ trợ ổn định tài chính và giảm thiểu mọi tác động đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình, người nộp thuế và nền kinh tế. Hội đồng quản trị FED theo dõi sát các diễn biến trên thị trường tài chính và thấy rằng vị thế vốn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng Mỹ có khả năng phục hồi mạnh mẽ.

Nhà kinh tế Jan Hatzius thuộc Goldman Sachs nhận định, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Mỹ đang phải trải qua giai đoạn căng thẳng, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED, sẽ không tăng lãi suất trong tháng 3 này. Goldman Sachs dự đoán FOMC sẽ không ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp dự kiến diễn vào ngày 22/3. Thay vào đó, FED sẽ tập trung vào các biện pháp cung cấp thanh khoản đáng kể cho các ngân hàng đang đối mặt việc dòng tiền bị rút ra và tăng cường niềm tin của khách hàng gửi tiền.

Loại trừ khả năng lặp lại khủng hoảng tài chính

Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield chỉ ra rằng, ba ngân hàng thất bại gần đây tại Mỹ là SVB, SB và Silvergate đều tập trung vào các khoản vay trong lĩnh vực công nghệ. Trong khi đó, đa số các ngân hàng có danh mục đầu tư cân bằng hơn và không quá phụ thuộc vào một lĩnh vực nhất định. Cushman & Wakefield đề cập đến khả năng nhiều ngân hàng sẽ phải chịu áp lực trong vấn đề thanh khoản, song tính tới thời điểm đưa ra phân tích, chỉ có ba ngân hàng sụp đổ và đó đều là những trường hợp cá biệt, vì vậy các sự kiện này không đồng nghĩa với khủng hoảng.

Theo phân tích của Cushman & Wakefield, sự sụp đổ gần đây của các ngân hàng Mỹ sẽ không dẫn đến các tác động giống như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Bức tranh về một cuộc khủng hoảng tài chính vẫn chưa rõ ràng, trong khi đó các cơ quan quản lý của Mỹ đang can thiệp sâu và điều này có khả năng giúp ngăn chặn hậu quả lan rộng.

Vụ phá sản của SVB và SB trở thành cuộc sụp đổ lớn thứ hai và thứ ba trong lịch sử hệ thống ngân hàng Mỹ, đứng sau vụ sụp đổ của Washington Mutual năm 2008. Tuy nhiên, tài sản của SVB và SB lần lượt là 209 tỷ USD và 118 tỷ USD, ít hơn nhiều so các ngân hàng lớn nhất ở Mỹ khi mà bốn ngân hàng lớn nhất sở hữu hơn 9.000 tỷ USD. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ngay cả những ngân hàng lớn nhất cũng phải chịu áp lực.

Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế hiện tại mạnh mẽ hơn nhiều so thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008, khi làn sóng sụp đổ của các ngành ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng đầu tiên bắt đầu. Tại thời điểm đó, Mỹ đã rơi vào suy thoái khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, FED công bố đợt nới lỏng tiền tệ đầu tiên và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 4,7% lên 6,8%. Hiện tại, Mỹ vẫn đang tạo ra việc làm và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6% tính đến tháng 2/2023, gần mức thấp nhất mọi thời đại.

Theo các chuyên gia, hệ thống tài chính hiện nay cũng vững vàng hơn thời khủng hoảng tài chính năm 2008. Trên thực tế, để đối phó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hệ thống ngân hàng đã trải qua những cuộc cải tổ lớn để điều tương tự sẽ không lặp lại. Các ngân hàng được vốn hóa nhiều hơn và được bảo vệ tốt hơn trước các tình huống xấu.

Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách phản ứng nhanh hơn. Chỉ hai ngày sau SVB sụp đổ, Bộ Tài chính Mỹ và FED đã thiết lập một cơ sở tín dụng khẩn cấp cho các ngân hàng gặp vấn đề về thanh khoản, nhờ đó bảo vệ tất cả các khoản tiền gửi và củng cố niềm tin ban đầu cho thị trường. Chương trình lịch sử do FED công bố sẽ xác định lại cách các ngân hàng có thể đối mặt và giải quyết các cuộc khủng hoảng thanh khoản do rủi ro lãi suất gây ra. Hơn nữa, FDIC đang tiến hành các hoạt động thanh lý bình thường, có trật tự, giống như trong bất kỳ vụ đổ vỡ nào của ngân hàng.