Biên lợi nhuận ngân hàng co hẹp

Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giảm lãi suất sẽ giúp giảm chi phí huy động vốn cho các ngân hàng. Nhưng theo các chuyên gia, mục đích chính của nhà điều hành là tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Vì vậy, biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng sẽ không hưởng lợi nhiều từ quyết định này.
0:00 / 0:00
0:00
Dự báo lãi suất cho vay sẽ giảm thêm trong thời gian tới. Ảnh: NAM ANH
Dự báo lãi suất cho vay sẽ giảm thêm trong thời gian tới. Ảnh: NAM ANH

Độ trễ thời điểm huy động - cho vay

Sau khi NHNN thực hiện bốn lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động giảm nhanh và lãi suất cho vay ghi nhận giảm khoảng 1% tại các khoản vay phát sinh mới, tuy nhiên thời điểm giảm của các khoản vay hiện hữu có độ trễ 3-6 tháng so với lãi suất huy động.

Mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt trong nửa cuối quý II và kỳ vọng tiếp tục giảm trong hai quý còn lại của năm 2023. Theo các chuyên gia của công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhóm ngân hàng thương mại nhà nước ghi nhận mức lãi suất cho vay tăng ít hơn nhóm ngân hàng tư nhân trong quý I/2023 do sớm thực hiện giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất đầu ra điều chỉnh giảm nhanh kể từ quý I/2023 khiến NIM nhóm ngân hàng này dự kiến duy trì ở mức thấp.

Đến tháng 6/2023, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 4%, cho thấy sức hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế. Do đó, các chuyên gia dự báo lãi suất cho vay sẽ giảm nhiều hơn trong thời gian tới.

NIM của các ngân hàng được dự báo tiếp tục thu hẹp trong quý II khi nguồn vốn huy động giá cao vẫn chưa được hấp thụ hết, đồng thời nguồn vốn giá rẻ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) giảm mạnh.

Tuy nhiên, giới phân tích tài chính nhận định, trong nửa cuối năm nay, áp lực thu hẹp NIM sẽ hạ thấp, mức độ cải thiện sẽ phân hóa giữa các nhóm ngân hàng có vốn nhà nước với ngân hàng tư nhân lớn và ngân hàng tư nhân có quy mô nhỏ.

Theo phân tích của các chuyên gia VCBS, trong quý II/2023, ở nhóm bốn ngân hàng thương mại nhà nước, NIM duy trì ở mức thấp do áp lực giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế với các gói vay ưu đãi quy mô lớn từ đầu năm 2023. Còn nhóm ngân hàng tư nhân có tệp khách hàng cá nhân thường xuyên dồi dào sẽ có NIM tăng nhanh nhờ tỷ lệ CASA cao và tín dụng bán lẻ hồi phục khi mặt bằng lãi suất giảm dần.

Tại nhóm ngân hàng nhỏ thiếu hụt về thanh khoản trong giai đoạn trước, NIM sẽ cải thiện rõ rệt khi các khoản tiền gửi lãi suất cao dần đáo hạn. VCBS dự báo NIM toàn ngành sẽ chậm lại xu hướng giảm, nhưng có khả năng cải thiện trong nửa cuối năm 2023 nhờ lãi suất huy động giảm.

Theo số liệu từ VnDirect, các chuyên gia cho rằng, xu hướng tăng cho vay khách hàng doanh nghiệp và huy động từ khách hàng cá nhân sẽ duy trì tới khi lãi suất hạ nhiệt rõ rệt và nền kinh tế có sự phục hồi (ít nhất đến quý III/2023). Vì vậy trong năm 2023, NIM của các ngân hàng thương mại cho vay khách hàng doanh nghiệp và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tín dụng và huy động chỉ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng sẽ giảm mạnh hơn mức chung toàn ngành.

Ngược lại, nhóm ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ và có nguồn huy động đa dạng từ liên ngân hàng, khách hàng cá nhân, CASA cao… như VIB, HDBank, MB… sẽ hạn chế được rủi ro NIM thu hẹp. Riêng với Sacombank, NIM sẽ cải thiện đáng kể nhờ không còn áp lực lãi dự thu.

Lợi nhuận co hẹp

Giới phân tích đánh giá, NIM thu hẹp cùng với tín dụng tăng chậm, nợ xấu cao hơn khiến lợi nhuận ngân hàng năm nay có thể giảm tốc.

Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, ước tính có 4/11 ngân hàng niêm yết được công ty này nghiên cứu sẽ sụt giảm lợi nhuận trong quý II/2023 so với cùng kỳ, bao gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Trong số này, TPBank có mức sụt giảm lợi nhuận dự báo mạnh nhất, từ 21 - 25% so với cùng kỳ năm 2022.

Trên thực tế, thời điểm này có một số ngân hàng “tiết lộ” kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cho biết, lợi nhuận trước thuế quý II/2023 đạt 880 tỷ đồng. Lũy kế sáu tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ thực hiện được 41% kế hoạch về lợi nhuận.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 hồi tháng 4, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm nay ở mức 6.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022.

Sự suy giảm về lợi nhuận của LPBank chưa mang tính đại diện cho ngành, nhưng phần nào cho thấy thực tế kinh doanh kém đi của các ngân hàng.

Kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới của các tổ chức tín dụng cũng được điều chỉnh thu hẹp đáng kể. Điều này được phản ánh trong kết quả điều tra mới đây của Vụ Dự báo thống kê (NHNN) về xu hướng kinh doanh trong quý III/2023.

Các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý III/2023 nhưng tăng với tốc độ chậm lại trong năm 2023 so với năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Tuy nhiên, vẫn có 11% tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu vay vốn giảm trong năm 2023 so với năm 2022.

Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng có biểu hiện tăng nhẹ trong quý II/2023 nhưng được kỳ vọng giảm trong quý III/2023.

Mặc dù vậy, theo VCBS, phần lớn các ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tích cực so với khối doanh nghiệp sản xuất trong nửa đầu năm 2023.