Phóng viên (PV): Chị có bất ngờ khi là một trong những người đạt điểm tuyệt đối IELTS về kỹ năng nói?
Cô giáo Nguyễn Nguyệt Hà (NNH): Bản thân tôi cũng không quá ngạc nhiên khi nhận điểm 9.0 vì thực tế ở nước ta cũng có nhiều người đã đạt được số điểm này. Tuy nhiên, tôi ngạc nhiên theo hướng khác vì đã từng mắc kẹt ở mức điểm 7.0 trong nhiều năm. Hai năm trở lại đây, tôi có sự thay đổi rõ rệt trong kỹ năng này và rồi đạt điểm tuyệt đối. Khi còn là sinh viên, cô giáo từng nói tôi có triển vọng trong kỹ năng này nhưng thú thật tôi còn rất hoài nghi. Nói cách khác, tôi chỉ biết tiếng Anh kiểu để đi thi chứ không thật sự biết cách ứng dụng kiến thức.
PV: Từ người "thường thường" trong việc học, chị đã làm gì để chinh phục bộ môn này?
Cô giáo NNH: Nhiều người cho rằng, tiếng Anh học thuộc là xong nhưng đó chỉ là kiến thức thụ động. Theo thang đo Bloom (6 cấp độ đo sự nhận thức), học thuộc như vậy chỉ là ở cấp độ thấp nhất. Học sinh chỉ nhớ mặt chữ nhưng không áp dụng, vận dụng và sáng tạo được kiến thức. Đó là lý do tại sao khi chuyển sang học IELTS hay chuyển sang giao tiếp tiếng Anh, viết luận phần lớn các em sẽ gặp khó khăn hay thậm chí không biết làm. Để học được tiếng Anh đúng, áp dụng và vận dụng được cần phải cảm nhận được ngôn ngữ. Thay vì học thuộc làu công thức, từ vựng, thì phải hiểu chúng được sử dụng như thế nào, trong bối cảnh, mục đích ra sao.
Theo tôi, để giao tiếp và viết luận được bằng tiếng Anh thì phải tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ trong bối cảnh thực tế. Chúng ta có thể tận dụng mọi nguồn trên internet, như xem YouTube, đọc báo, đọc sách trực tuyến, xem phim nước ngoài, thậm chí là đọc những dòng trạng thái và bình luận trên mạng xã hội bằng tiếng Anh để học.
PV: Được biết chị đã áp dụng phương pháp này cho học sinh của mình và kết quả ra sao?
Cô giáo NNH: Tôi dạy học ở trường theo chương trình phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo khác với việc dạy học IELTS ở nhà riêng. Thực tế tôi không có phương pháp cố định nào vì mình phải lựa theo trình độ của học sinh, theo mục đích dạy, theo nội dung dạy. Tôi đề cao tính linh hoạt trong dạy học hay nói cách khác, lấy học sinh làm trung tâm của buổi học. Tuy nhiên, điểm chung ở các lớp học là tôi muốn học sinh phải có gì đó mang về nhà sau mỗi buổi học. Tức là đã đi học là phải có gì đó đọng lại trong đầu và phải ứng dụng được vào thực tế.
Hầu như các bạn học sinh đến với tôi đều có xuất phát điểm thấp nhưng học xong, ai cũng 6.5 + IELTS vì hiện nay đi du học thạc sĩ, tiến sĩ cũng chỉ cần 6.5 IELTS mà thôi.
PV: Chị có lời khuyên nào dành cho những bạn đã và đang bắt đầu hành trình chinh phục tiếng Anh?
Cô giáo NNH: Như tôi đã nói ở trên, học sinh nên có cảm nhận tiếng Anh tốt và nên tìm được cảm hứng để học thì quá trình chinh phục bất cứ ngôn ngữ nào cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Hãy cố gắng thoát ra khỏi lối tư duy học truyền thống đã có phần lỗi thời - đó là học thuộc - không hiểu cách dùng - chỉ làm đề luyện đề, tập trung vào điểm số - không nghe-đọc-viết-nói. Đã học ngôn ngữ là phải thấy hay và thú vị. Và một mẹo nhỏ để thấy ngôn ngữ hay, đó là nên tìm hiểu về nền văn hóa, lịch sử, âm nhạc, nghệ thuật của nước đó.
PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị.