Ngược thượng nguồn

Bên dòng Ô Môn

Từ bao đời, sông Ô Môn luôn tấp nập thuyền bè qua lại và cũng được người dân ví như túi cá tôm của vùng. Dòng sông chất chứa nhiều câu chuyện, vui có, buồn có. Chuyện về những người nhạc sĩ tài ba sinh ra và lớn lên hai bên bờ, về những vụ mùa đánh bắt thủy sản và câu chuyện người dân cùng chính quyền chiến đấu với sạt lở.
0:00 / 0:00
0:00
Bên bờ sông Ô Môn.
Bên bờ sông Ô Môn.

Dòng sông cảm hứng

Sông Ô Môn là con sông khá nổi tiếng của TP Cần Thơ, bắt nguồn từ huyện Thới Lai, khi các dòng kênh Đứng, kênh Xáng Ô Môn và kênh Xẻo Sào hợp lại thành một. Dòng sông có chiều dài hơn 50km, chảy qua huyện Thới Lai, quận Ô Môn trước khi đổ ra sông Hậu. Đây là tuyến sông chính có vai trò rất quan trọng trong mạng lưới giao thông thủy của TP Cần Thơ với lưu lượng tàu thuyền qua lại rất đông, đặc biệt là tàu có trọng tải lớn.

Ở một quán cà-phê nhỏ có phần hơi xập xệ nơi thượng nguồn, ông chủ quán tuổi trạc thất thập. Ông có thói quen nằm võng, khi khách đến gọi đồ lão mới nhỏm dậy hoặc hắng giọng gọi đứa cháu ra phục vụ. Điều khiến tôi chú ý nhất trong cái quán nhỏ ấy là chiếc cát-sét còn khá mới gần như lúc nào cũng bật và phát đi phát lại bài hát với những câu hát da diết: “Nắng chiều tỏa xuống sông Ô Môn quê em/ Làng xóm vui đầm ấm/ Lòng em bao thầm nhớ/ Hỡi dòng sông mang mối tình dùm ta tới người thương…”. Mắt người chủ quán vẫn lim dim, lim dim như muốn nuốt từng giai điệu. Đôi môi lão mấp máy hát theo và tất nhiên, bài hát đó lão đã thuộc lòng từng câu, từng chữ. Tôi hỏi khẽ về những câu hát kia, lão cười hiền hậu trả lời: Bài “Chiều trên sông Ô Môn” của nhạc sĩ Triều Dâng đó chú!”. Rồi lão đưa mắt nhìn về dòng sông đang lững thững trôi ngoài kia, dòng sông Ô Môn mà lão đã gắn bó gần như cả cuộc đời.

Dòng sông Ô Môn bao đời vẫn thế, thuyền bè qua lại như mắc cửi. Sông cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt dẫn và thoát nước cho hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp. Ngoài thiên nhiên phong phú, điều những người dân địa phương tự hào nhất là bên dòng sông Ô Môn, có đến bốn nhạc sĩ nổi tiếng đã sinh ra. Họ là Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường, Đắc Nhẫn và Triều Dâng. Lưu Hữu Phước từng được trao tặng những danh hiệu cao quý như Huân chương Độc lập hạng nhất (năm 1987), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 1996). Ông sinh ngày 12/9/1921 tại quận Ô Môn, nổi tiếng với các ca khúc như “Non sông gấm vóc”, “Bạch Đằng Giang”, “Hát Giang trường hận” (sau đổi tên là “Hồn tử sĩ”)… Nhắc đến nhạc sĩ Trần Kiết Tường, không ai không biết đến các ca khúc “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”, “Anh Ba Hưng”,...

Nhạc sĩ Đắc Nhẫn thì để lại các sáng tác như “Việt Nam ngàn dặm”, “Nhắn về Thành”…và đặc biệt bài hát “Tầm Vu” do ông phổ nhạc vẫn luôn tồn tại mãi với thời gian. Ngoài các ca khúc, ông còn có một khối lượng lớn nhạc cho các vở sân khấu cải lương và nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật âm nhạc nước ngoài và cải lương Nam Bộ. Một điều thú vị là thân phụ của Lưu Hữu Phước chính là thầy dạy đàn, dạy chữ cho Đắc Nhẫn và Trần Kiết Tường. Với Triều Dâng, ông được nhiều thế hệ tuổi trẻ biết đến với những bài hát viết về thanh niên Việt Nam, đặc biệt là ca khúc “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ”. Ông từng tâm sự rằng, thuở nhỏ, những đêm trăng ông thường ngồi nhìn những đoàn ghe thuyền tấp nập ngược xuôi của khách thương hồ, nghe những giọng hò lanh lảnh làm xôn xao sóng nước. Có lẽ, những giọng hò mênh mang sóng nước của dòng Ô Môn cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận để những nhạc sĩ được sinh ra bên bờ có được những ca khúc thiết tha, sâu lắng, đi vào lòng bao nhiêu thế hệ thính giả như vậy.

Bên dòng Ô Môn ảnh 1

Nơi thượng nguồn sông Ô Môn.

Để sông mãi hiền hòa

Không chỉ có vai trò trọng yếu trong giao thông đường thủy, sông Ô Môn còn là nguồn cung cấp thủy sản dồi dào. Theo nhiều người dân địa phương, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nước rút, cá tôm nhiều vô kể. Người ta ví von con sông này chính là cái túi chứa thủy sản trước khi chảy ra sông Hậu. Thú vị nhất là cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch, người dân gọi đây là mùa cào chạch. Sáng sớm hoặc xế chiếu, cứ theo con nước ròng, người dân lên xuồng đi dọc các mé sông cào chạch. Chỉ cần một bàn cào bằng tầm vông và sự thuần thục, nhanh nhẹn, mỗi người có thể bắt được vài ký cá chạch một cách dễ dàng. Ngoài chạch, con sông này cũng có nguồn cá linh dồi dào. Đây là một giống cá thuộc họ cá chép, thường xuất hiện nhiều nhất vào mùa nước nổi. Cá linh có kích thước cơ thể nhỏ, con trưởng thành có thể to hơn hai ngón tay và cá nhỏ chỉ to bằng chiếc đũa. Từ lâu, loại cá này đã trở thành đặc sản của miền Tây không chỉ bởi hương vị ngon, nhiều dinh dưỡng mà người dân địa phương khi ủ mắm cũng tạo ra loại đặc sản nổi tiếng khắp xa gần.

Nhắc đến mảnh đất “chín rồng”, cũng không thể không nhắc đến sự giao thoa của các vùng đồng bào dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm. Tiêu biểu cho bản sắc văn hóa của các dân tộc là những công trình tín ngưỡng tâm linh cộng đồng. Gắn liền với dòng Ô Môn hiền hòa, có chùa Pôthi Somrôn, ngôi chùa Khmer cổ nổi tiếng, nằm trang nghiêm nhưng hiền hòa bên bờ sông. Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1735. Sau này, chùa quá xuống cấp, Hòa thượng trụ trì chùa giai đoạn 1950-1988 đi Phnom Penh (Campuchia) thỉnh bản thiết kế mới từ các kiến trúc sư nổi tiếng của nước bạn, trên cơ sở giữ gìn kiến trúc truyền thống. Chùa mới được khởi công vào tháng 6/1950, đến năm 1952 thì hoàn tất và giữ nguyên kiến trúc đến ngày nay. Điểm độc đáo của ngôi chùa là khi viếng thăm, khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều cổ vật như những cánh én bằng gỗ làm từ năm 1856 chạm trổ hình ảnh mô phỏng các câu chuyện về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; hơn 100 bộ kinh Satra (sách lá), 17 tượng gỗ gần 200 tuổi. Bức tượng Đức Phật ở Trung tâm Chính điện được tạc vào năm 1885… Hiện nay, chùa Pôthi Somrôn là nơi khởi nguồn nhiều hoạt động văn hóa xã hội do MTTQ, Thành hội Phật giáo và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động.

Được coi là túi chứa thủy sản, nhưng cũng như nhiều dòng sông khác ở Cần Thơ, nguồn lợi này trên sông Ô Môn ngày càng ít dần do tình trạng đánh bắt quá mức. Chính quyền thành phố cũng đã nhiều lần tổ chức các lễ phát động thả con giống thủy sản các loại về tự nhiên, trong đó ưu tiên thả các loại thủy sản bản địa, loài nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng… Bên cạnh đó, thời gian gần đây, nhắc đến sông Ô Môn, nhiều người dân địa phương nghĩ ngay đến tuyến sông có tình hình sạt lở diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, cuốn trôi hàng chục căn nhà cũng như tài sản gây dựng, tích góp bao năm của người dân hai bên bờ. Ông Trần Văn Việt, một người dân có căn nhà bên bờ sông tại quận Ô Môn chia sẻ, sạt lở là nỗi ám ảnh đối với người dân sống tại đây. Sạt lở cũng ngày càng lấn sâu vào bờ và nếu không có giải pháp kịp thời, đường sá cũng sẽ bị hư hỏng. Cùng sự hỗ trợ địa phương, người dân góp tiền mua các vật liệu về gia cố nhằm hạn chế sạt lở, bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Tuy nhiên, đó chỉ là các phương án tạm thời. Điều người dân mong chờ vẫn là phương án căn cơ, lâu dài.

Nhiều năm qua, việc hạn chế sạt lở hai bờ sông Ô Môn trở thành sự quan tâm hàng đầu của chính quyền, các cấp, các ngành TP Cần Thơ. Hiện nay, cùng nhiều giải pháp khác, các công trình chống sạt lở cũng đang được gấp rút hoàn thiện. Công trình kè chống sạt lở sông Ô Môn khu vực Thới An (phía bờ phải), đoạn từ rạch Vàm đến bến đò Tầm Vu được khởi công xây dựng tháng 5/2021 với chiều dài 950m, tổng kinh phí xây dựng 114,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước dự kiến đưa vào sử dụng tháng 4/2023. Kè chống sạt lở sông Ô Môn (đoạn từ cầu Ô Môn đến vàm Ba Rích), phường Thới Hòa, có chiều dài 1,9km, kinh phí đầu tư xây dựng hơn 200 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4/2023… Các công trình sau khi đưa vào sử dụng sẽ là “tấm lá chắn” giúp ổn định bờ sông Ô Môn, bảo đảm an toàn, ổn định lâu dài cho dân cư…