Thống kê của Hiệp hội TPCN Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo gây bức xúc hiện nay trên mạng xã hội là “trá hình”. Trong năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 19 nghìn sản phẩm vi phạm, sai phạm. Chỉ tính riêng quý I/2024, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện tới gần 200 sản phẩm vi phạm.
Vấn đề mới mà cũ
Ngày 31/5, trang web An toàn thực phẩm - Bộ Y tế (VFA) đăng cảnh báo người dân về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Rokmen XZ Premium không đăng ký sản phẩm, mạo danh Công ty TNHH dược phẩm Fusi (Cụm công nghiệp Thanh Oai, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) sản xuất để lừa người tiêu dùng.
Trước đó, ngày 18/4, VFA cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân có chứa Sibutramin là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Trước đó nữa ngày 8/4, trang web của VFA cảnh báo sản phẩm Sâm Plus S’body Green, Vạn Xuân Tố Nữ Plus vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo trên một số website do quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp…
Thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, VFA liên tục đăng tin cảnh báo về các nhãn hàng, doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong đó, đặc biệt là những nội dung đăng quảng cáo sai quy định gây hiểu nhầm cho người sử dụng. Các quảng cáo này thường thổi phồng công dụng, kèm theo đó là lồng ghép video tinh vi, giả mạo bác sĩ, lương y của các bệnh viện lớn để tư vấn về TPCN... như thuốc chữa bệnh.
Về bản chất, TPCN là một loại sản phẩm tốt cho sức khỏe nếu như biết sử dụng đúng cách, hợp lý. Tuy nhiên, người dân không được xem đây là thuốc để điều trị bệnh, mà các sản phẩm này chỉ cung cấp, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất. Việc lạm dụng có thể gây các phản ứng dị ứng, làm rối loạn quá trình đồng hóa trao đổi chất do cơ thể nhận dư thừa chất bổ, chất dinh dưỡng.
PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm cho biết, người bệnh sử dụng TPCN theo quảng cáo sai sự thật sẽ làm mất thời gian vàng chữa trị cho chính họ. Bên cạnh đó, TPCN nếu được cơ quan quản lý duyệt thì cũng không hề có nội dung công bố chữa khỏi bệnh, nếu có là do doanh nghiệp gian dối. Bởi vậy, cần có cơ chế quản lý và quy định pháp luật về lĩnh vực này.
Đừng dừng lại ở kêu gọi
Hiện tượng sai phạm trong quảng cáo TPCN không chỉ gây ra hậu quả “tiền mất, tật mang” cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín, làm lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả. Tuy nhiên, trên các sàn thương mại điện tử lại chưa có những quy định cụ thể và rõ ràng. Thêm vào đó, môi trường mạng còn thuận lợi cho việc chia sẻ, quảng cáo thông tin hơn.
Để ngăn chặn được quảng cáo trên nền tảng mạng, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, cần yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới nỗ lực xử lý nội dung vi phạm bằng cách đề nghị các doanh nghiệp làm ăn chân chính đang quảng cáo rút kinh phí, không quảng cáo trên trang mạng đó nữa. Tuy nhiên, theo ông Lâm, việc quảng cáo hiện nay không chỉ nằm ở đơn vị phát hành quảng cáo, những nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook mà còn cả trí tuệ nhân tạo, các thuật toán… Đây là những khó khăn đặt ra trong việc quản lý, xử lý và cảnh báo người tiêu dùng.
Trong khi ngăn chặn quảng cáo sai sự thật đang là nỗi lo, thì thực tế chất lượng của các sản phẩm TPCN trên thị trường vẫn đang thiếu cơ quan giám sát. Để giải quyết tình trạng bát nháo trên thị trường, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Chủ tịch Hội Dược học thành phố kiến nghị đã đến lúc phải siết chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật của TPCN cả nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Cụ thể là theo Nghị định 15 quy định chi tiết thi hành một số điều luật của Luật An toàn thực phẩm, tất cả các cơ sở sản xuất phải đạt tiêu chuẩn GMP (Good manufacturing practices). Điều này có nghĩa TPCN phải được sản xuất với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như thuốc. Các doanh nghiệp muốn TPCN lưu thông trên thị trường, phải tuân thủ theo quy định. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng khẩn trương bổ sung những quy định pháp luật riêng để xử lý nghiêm các vi phạm liên quan mới có thể bảo vệ người tiêu dùng.
Nhằm hạn chế tình trạng này, mới đây, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường quản lý quảng cáo TPCN trên địa bàn.
Nội dung trọng tâm là “Tăng cường công tác quản lý quảng cáo TPCN trên địa bàn”, “Xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám, chữa bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu TPCN như thuốc chữa bệnh”, và “Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ mua các sản phẩm khi thật sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng. Khi có bệnh phải tới cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời. Không sử dụng sản phẩm theo cách truyền miệng, không hiểu rõ về sản phẩm”.