Ưu tiên bảo đảm an toàn
Là đơn vị có nhiều học sinh ở địa phương khác xin học tại nơi lưu trú, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) Lê Thị Quyên cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện có 12 học sinh (hai em lớp 10, bảy em lớp 11 và ba em lớp 12) quê ở các tỉnh: Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình… chưa kịp quay trở về địa phương, có nguyện vọng học tại trường. Nhà trường sẵn sàng tiếp nhận và tạo điều kiện cho các em, bảo đảm học sinh dù ở đâu cũng được học tập tốt nhất.
Em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 12, Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Dù việc học trực tuyến có nhiều bất tiện, song đây là phương án tốt nhất để chúng em được an toàn trong tình hình dịch bệnh phức tạp. Năm nay là năm học cuối cấp nên việc duy trì học trực tuyến sẽ giúp chúng em bảo đảm được tiến độ học và ôn thi tốt nghiệp THPT. Dù có nhiều khó khăn, nhưng chúng em sẽ cố gắng và luôn mong các thầy, cô sẽ đồng hành giúp đỡ chúng em!”.
Chị Nguyễn Thu Hà, có con học lớp 9 Trường THCS Giảng Võ đề xuất: “Tình hình dịch bệnh khó lường nên rất mong lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội sớm có phương án thi môn thứ 4 để các con chủ động thời gian học tập và ôn luyện vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10!”.
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Bích Nga thông tin, nhà trường cập nhật tình hình sức khỏe của học sinh hằng ngày và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với từng cấp độ cụ thể của dịch. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có kế hoạch riêng về dạy học, bồi dưỡng cho hơn 400 học sinh lớp 9 để các em chủ động trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Hiện tại, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục phát động phong trào “Máy tính cho em”, kịp thời hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn thiếu thiết bị học trực tuyến để không em nào chịu thiệt thòi. Các trường học trên địa bàn Hà Nội cũng đã tiếp nhận và tạo mọi điều kiện cho hơn 872 học sinh chưa thể về học tập tại nơi thường trú do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2021 - 2022 cũng là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 2 và lớp 6. Để chuẩn bị tốt nhiệm vụ này, ngành giáo dục ưu tiên công tác bồi dưỡng kỹ năng, tổ chức bằng nhiều hình thức, bảo đảm 100% số giáo viên dạy sách giáo khoa mới đều tham gia. Đồng thời, tăng cường đầu tư mua sắm thiết bị dạy học theo danh mục quy định, tận dụng hiệu quả các thiết bị sẵn có; huy động cao nhất nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm mỗi lớp trong khối 2 có một phòng học để học sinh được học hai buổi/ngày…
Với số lượng khoảng 60.000 học sinh tăng thêm hằng năm, Hà Nội luôn rơi vào tình trạng thiếu trường, lớp. Về vấn đề này, ông Trần Thế Cương cho biết, một trong những giải pháp quan trọng là phát triển mạng lưới trường học, ưu tiên vùng khó khăn để giảm dần khoảng cách về điều kiện dạy học giữa các địa bàn, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại trà. Theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, năm 2021, thành phố xây mới 119 trường học; thành lập mới 42 trường; nâng cấp, cải tạo 195 trường học.
Thành phố đã rà soát xong mạng lưới cơ sở GD&ĐT trên địa bàn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 để tập trung xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế. Sở GD&ĐT đã tham mưu thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng năm trường phổ thông liên cấp theo hướng hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế…
Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng được tích cực triển khai. Tính đến tháng 6/2021, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 76,9% (1.695/2.204 trường). Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 22 trường chất lượng cao. Toàn ngành đang nỗ lực thực hiện mục tiêu có 100% số trường công lập đạt chuẩn vào năm 2025. Đây là điều kiện rất cần thiết để bảo đảm môi trường học tập chất lượng, tạo ra “sản phẩm” đạt chuẩn. Sở GD&ĐT sẽ tham mưu thành phố về một số nội dung liên quan, đồng thời chỉ đạo các nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng dạy học… theo các tiêu chí trường chuẩn quốc gia do Bộ GD&ĐT ban hành.