Câu hỏi mới từ một cái nôi trống quân

1/ Làng Chảy, làng Sông (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) xưa có tục hát trống quân trên cạn và trên mặt nước. Lời hát trống quân làng Chảy vang lên trong mùa vào cuộc hát của hai làng là dịp con nước tháng Tám: “Tháng Tám anh đi chơi xuân/Thấy làng mở hội Trống quân anh vào”.

Các thành viên CLB Liêm Thuận luyện tập hát trống quân.
Các thành viên CLB Liêm Thuận luyện tập hát trống quân.

Có khi người cùng làng hát đối với nhau, nhưng thường thì người làng Sông hát với người làng Chảy. Hai làng quanh năm trũng nước, địa hình xóm làng phân cách do nhiều ao chuôm. Vì vậy, người ta chia hai bên hát, đối mặt nhau ở hai bờ ao, khi gõ nhịp và hát, âm thanh rung mặt nước, hấp dẫn lạ kỳ. Cũng do vùng đồng chiêm trũng, về mùa nước, người dân nơi đây phải đi thuyền bằng sào, nên nhu cầu giao tiếp trên mặt nước là rất quan trọng, sau này người ta đã đem cái trống quân trên cạn xuống thuyền. 

Vẫn cách thức làm trống quân như trên cạn, nhưng trên cạn thì phải làm hố, còn xuống nước thì cái hố thì được thay bằng cái vại sành, đem đặt giữa lòng thuyền. Trên miệng vại cũng được đặt một tấm gỗ mỏng. Chính tấm gỗ có néo một thanh tre già hay một thanh gỗ vào một sợi dây căng (chất liệu bằng da trâu, bằng tơ hoặc bằng dây thép) được buộc chặt từ mũi thuyền đến lái (nếu là thuyền nhỏ), buộc vào hai mạn thuyền (nếu là thuyền lớn). Khi gõ dùi trống vào sợi dây căng, thì ở vại sẽ phát ra âm thanh “thình/thì/thình”, nhưng nghe vang, rền, nảy hơn từ hố đào trên cạn, bởi chất liệu sành và có sự cộng hưởng âm của mặt nước. Có những cuộc hát giao duyên thâu đêm suốt sáng vào dịp tháng Tám, mà về làng Chảy người ta vẫn được nghe các bậc “cổ lai hy” kể lại.     Theo Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đình Lâu: “Từ năm 2014 đến nay, xã Liêm Thuận đã đưa các làn điệu hát trống quân vào chương trình dạy ngoại khóa cho học sinh tại các trường học. Tôi và các nghệ nhân trong xã đã và đang tiếp tục biên soạn, truyền dạy các làn điệu trống quân cho hội viên CLB hát trống quân Liêm Thuận và những người yêu hát trống quân ở địa phương”.

2/ Về làng Chảy, chúng tôi còn sưu tầm được rất nhiều câu lục bát hoặc cả bài lục bát do người hai làng ứng tác vào các làn điệu trống quân. Chị Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm CLB hát trống quân Liêm Thuận chia sẻ: “Cái độc đáo của hát trống quân Liêm Thuận là người dân sử dụng những thứ rất đỗi bình dị, thân thuộc, dễ kiếm, dễ sử dụng như: chum, vại sành, thừng, tre… để làm thành nhạc cụ. Khi phối hợp cùng những lời ca tự biên, tự diễn đã tạo nên những làn điệu giàu âm hưởng dân ca”.

Có giả thuyết cho rằng, hát trống quân có từ thời nhà Đinh, do Ưu bà Phạm Thị Trân (bà tổ hát chèo) sáng tạo rồi đem vào dạy hát trong binh lính. Đa số giả thuyết khẳng định: Trống quân có nguồn gốc thời nhà Trần, cũng được phổ biến trong quân đội. Có thuyết nói rằng, chính thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ, Quang Trung lệnh cho những người lính áo vải, cờ đào hát để luyện quân, nhằm tăng sĩ khí và tinh thần lạc quan lúc xa nhà. Cũng có thuyết cho rằng, trống quân là đọc chệch của từ “trung quân”, là một nghi thức hát giữa (trung) quân đội, hoặc đọc chệch từ “tống quân” - một nghi thức để tiễn biệt (tống) một vị quan chức sở tại nhậm chức mới, chuyển đi từ nơi khác.

Như chúng tôi được biết, sự mô tả cách thức làm trống quân (trên cạn) của làng Chảy rất giống với cách thức làm trống quân thời nhà Trần. Thời nhà Trần, để luyện binh sĩ, người ta làm một thùng gỗ to chôn dưới đất, miệng lỗ cũng đặt tấm gỗ, thừng làm dây trống cũng được bện bằng tre hoặc tơ, to bằng cổ tay để người cầm nhịp lấy vồ đập vào sức căng của nó, tạo nên âm để binh sĩ gõ trống con và hát theo.

Địa phận làng Chảy, làng Sông (và huyện Thanh Liêm nói chung) xưa kia nằm trong cái nôi hát trống quân (vì thuộc đất nhà Trần, gần Hoa Lư thời nhà Đinh) và nằm trên đường tiến ra bắc của đạo quân Quang Trung - Nguyễn Huệ. Có thể thử suy luận, nghĩa quân Tây Sơn đã tận dụng hình thức sinh hoạt có sẵn tại địa phương chứ không phải trống quân là dân ca, dân nhạc Đàng trong mang ra bắc. Đây là điều đáng được suy nghĩ, tìm hiểu thêm từ góc độ chuyên môn.