Vụ việc bắt nguồn từ cuộc điều tra của một nhóm các hãng thông tấn và đài truyền hình châu Âu thực hiện, trong đó phát hiện Cơ quan Tình báo quân sự và đối ngoại Đan Mạch (FE) đã giúp NSA theo dõi các chính trị gia hàng đầu ở Đức, Pháp và các nước khác thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) từ năm 2012 đến năm 2014, trùng với khoảng thời gian ông Joe Biden đang là Phó Tổng thống Mỹ. Cuộc điều tra là kết quả của sự hợp tác giữa Đài phát thanh DR của Đan Mạch, kênh truyền thông SVT (Thụy Điển), NRK (Na Uy), báo Le Monde (Pháp) cùng các kênh NDR, WDR và báo SZ của Đức.
Theo đó, hoạt động gián điệp được phát hiện nhờ một tài liệu có tên “Chiến dịch Dunhammer”, trong đó có nêu một hợp đồng bí mật mà hai cơ quan tình báo Mỹ và Đan Mạch đã ký kết. Các điều khoản cho phép gián điệp Mỹ triển khai hệ thống chặn dữ liệu có tên XKeyscore trên mạng của Sandagergårdan - một trung tâm liên lạc và cung cấp dịch vụ internet quan trọng ở thành phố Dragor, gần Thủ đô Copenhagen. Đây cũng là đầu mối ra, vào của một số tuyến cáp ngầm quan trọng kết nối Đan Mạch và các nước ở lục địa châu Âu với bán đảo Scandinavia.
Điều tra phát hiện NSA đã sử dụng XKeyscore để chặn mạng dữ liệu di động bao gồm các nội dung tin nhắn SMS, các cuộc gọi điện thoại và truy cập internet, trong đó có nội dung tìm kiếm, nội dung hội thoại và các dịch vụ nhắn tin của nhiều chính trị gia châu Âu. Theo DR, người đứng đầu ở FE lúc bấy giờ là ông Thomas Ahrenkiel đã “bật đèn xanh” cho vụ hợp tác bất thường giữa NSA và FE, và chỉ dừng lại sau khi bị phát hiện trong vụ việc “người tuýt còi” Edward Snowden tiết lộ bê bối nghe lén của NSA gây rúng động dư luận.
Năm 2015, giới chức Copenhagen mới dừng hợp tác vì nhận ra NSA đã theo dõi cả thành viên chính phủ nước này. Liên quan vụ việc, vào năm ngoái, Đan Mạch cũng đình chỉ một số quan chức cấp cao của FE do nước này cấm hợp tác với cơ quan tình báo nước ngoài để do thám nội bộ. Hiện, cả FE và NSA vẫn chưa đưa ra bình luận nào. Các “nạn nhân” bị nghe lén khác bao gồm quan chức các nước Đức, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Pháp, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier và lãnh đạo phe đối lập ở Đức khi đó là Peer Steinbrück. Theo PGS Thomas Wegener Friis của Trường đại học Nam Đan Mạch, những nhân vật kể trên không chỉ là yếu nhân ở Đức mà còn được xem là những “ngôi sao ngoại hạng” của nền chính trị châu Âu, do vậy việc do thám đồng minh của Mỹ thật sự đáng quan ngại.
Hiện, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch, bà Trine Bramsen không xác nhận hay phủ nhận vụ việc, song nhấn mạnh “việc nghe lén có hệ thống giữa các đồng minh thân cận là không thể chấp nhận được”. Bà Bramsen là người đứng đầu cơ quan chủ quản của FE, đã nhận được báo cáo về hoạt động hợp tác nghe lén này từ tháng 8-2020. Ngày 1-6 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án các hành động do thám đồng minh và yêu cầu cần phải có câu trả lời từ Washington và Copenhagen. Theo đài DW của Đức, Thủ tướng Merkel cho biết, bà đồng ý với bình luận của ông Macron, nhưng cũng “yên tâm” trước tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch rằng sẽ làm sáng tỏ vụ việc.
Bê bối nghe lén của giới tình báo Mỹ đã không còn xa lạ sau khi cựu nhân viên kỹ thuật làm việc cho một nhà thầu phụ của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) là Edward Snowden tiết lộ hàng loạt bí mật nghe lén của CIA và NSA hồi năm 2013. Theo đó, chính quyền Mỹ đã do thám công dân và các đồng minh của nước này trên quy mô lớn. Ở thời điểm đó, truyền thông đã đồng loạt đưa tin việc mật vụ Mỹ theo dõi điện thoại di động của bà Merkel. Song đến nay, việc giới tình báo của một quốc gia ở châu Âu như Đan Mạch có “nhúng tay” hỗ trợ Mỹ đang đẩy quan hệ Mỹ - EU trở lại căng thẳng.