Áp lực vô hình
Thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của loại hình vận tải Uber, Grab đã khiến các hãng taxi truyền thống chao đảo. Tình hình kinh doanh tụt dốc, nhiều hãng phải cắt giảm nhân viên để bù trừ chi phí, điển hình như hãng taxi Mai Linh đã cắt giảm gần 6.000 nhân viên. Trước đó, một hãng taxi lớn tại thị trường phía nam là Vinasun cũng đã phải giảm gần 8.000 nhân sự chỉ trong sáu tháng đầu năm vì kết quả kinh doanh không hiệu quả.
Anh Trần Văn Thành, lái xe taxi Mai Linh cho biết, hiện nay taxi truyền thống phải chịu nhiều áp lực, lượng khách hàng giảm sút đáng kể khiến thu nhập trở nên thất thường. Để trở thành lái xe taxi của một hãng nào đó, lái xe phải đặt cọc một khoản tiền từ 15 - 20 triệu đồng, tùy chính sách mỗi công ty và làm việc hưởng lương hằng tháng, song thu nhập từ hình thức này khá ít ỏi. Bên cạnh đó, tỷ lệ phân chia doanh thu giữa doanh nghiệp (DN) và lái xe không đồng đều cũng khiến lái xe lao đao.
Xe Uber và Grab với sự tiện lợi, phù hợp với nhu cầu người dân hiện nay đang có nhiều điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn so taxi truyền thống, bởi không cần bãi đỗ, giấy phép tần số, logo, bảng giá, đồng phục... nhưng vẫn có thể đi vào các tuyến đường cấm taxi trong khi đang vận chuyển khách bình thường. Ngoài ra, lái xe taxi truyền thống phải tự bỏ tiền túi trả các chi phí như phí điện đàm, phí nhiên liệu, phí vệ sinh, nộp phạt nếu vi phạm an toàn giao thông, sửa xe hay áp lực chạy đua doanh số tháng..., những áp lực vô hình đó buộc họ phải cạnh tranh gay gắt với các hãng khác, thậm chí với chính đồng nghiệp cùng hãng. Nhiều người do không chịu được áp lực đã phải bỏ cuộc giữa chừng, chấp nhận mất tiền cọc ban đầu.
Những lái xe taxi không có điều kiện kinh tế phải mua xe trả góp của công ty thì phải đóng cổ phần khoảng 50%, rồi trả nợ gốc kèm lãi hằng tháng với mức lãi suất từ 12 đến 15%/năm. Giá mua xe cũng chênh so thị trường từ 50-200 triệu đồng/xe (tùy thương hiệu) vì hãng là người đứng tên. Anh Chiến, lái xe taxi hãng Sao Hà Nội cho hay: Dù tự mua xe hay mua của công ty, lái xe đều sử dụng hình thức mua thương quyền từ các DN taxi và phải chịu nhiều khoản chi phí như thương hiệu hằng tháng, phí bảo hiểm, đồng phục, tiền công đoàn... Tổng chi phí mất khoảng sáu triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, lượng khách ngày càng giảm do nhiều người ưu tiên chọn Uber hay Grab, việc này khiến anh Chiến và nhiều lái xe taxi truyền thống khác gặp khó khăn để hoàn thành đủ doanh số tháng, kéo theo những khoản lương, thưởng bị cắt giảm, ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập.
Thay đổi để tồn tại
Mấu chốt quan trọng để các hãng taxi truyền thống hay phi truyền thống tồn tại đều phụ thuộc vào khách hàng. Tuy nhiên, một trong những bất cập của taxi truyền thống thời gian qua là thiếu kênh giao tiếp giữa lái xe và hành khách. Cùng đó là công tác điều hành thủ công, quy mô nhỏ và đặc biệt tỷ lệ xe chạy rỗng cao, trong khi xe Grab và Uber lại có nhiều ưu điểm khi chỉ cần một chiếc điện thoại smartphone có kết nối internet là khách có thể đặt xe gần nhất, biết lộ trình đi và số tiền phải trả, tránh được tình trạng “bắt chẹt”. Điều này tăng phần khó khăn cho lái xe các hãng taxi truyền thống, bởi có những người đầu tư xe, có những người chạy thuê... nhưng chỉ có thể bắt khách dọc đường hoặc chờ tổng đài gọi thì mới có khách.
Để tự cứu mình, các hãng taxi truyền thống đang từng bước thay đổi, cố gắng bắt kịp xu thế bằng cách tự làm mới mình qua việc chạy đua đầu tư ứng dụng công nghệ; tích cực tìm giải pháp đổi mới như áp dụng phần mềm kết nối giữa hành khách và lái xe qua App (ứng dụng) gọi xe. Tuy nhiên, việc khách hàng lựa chọn taxi truyền thống hay taxi công nghệ không phải phụ thuộc vào App mà là giá cả, khuyến mãi. Trong khi các hãng taxi công nghệ thường có rất nhiều khuyến mãi mang tính “hủy diệt”, giảm giá kịch trần thì DN taxi muốn khuyến mãi phải đăng ký các thủ tục qua cơ quan quản lý theo quy định, chưa kể còn nhiều ràng buộc khác nên muốn thực hiện việc này cũng khó.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, hiện nay có một số hãng đã đầu tư làm App gọi xe, sử dụng song song với gọi tổng đài, còn một số hãng thì chưa. Nhìn chung, các App gọi xe đều hoạt động tốt, hướng đến cạnh tranh với Uber, Grab. Một số hãng như Mai Linh, Thành Công, Vinasun... đang chuyển dần sang sử dụng App là chủ yếu, song vẫn chịu nhiều thiệt thòi khi so sánh lợi thế cạnh tranh với Grab, Uber.
Hiện nay, các hãng taxi truyền thống chưa có một ứng dụng gọi xe chung cho tất cả. Cụ thể, khi hành khách gọi xe, trung tâm xe sẽ điều chiếc xe gần nhất đến đón, như vậy giảm được thời gian chờ của khách và giảm chi phí chạy rỗng của taxi, đồng thời giảm chi phí cho DN và nâng cao dịch vụ của các hãng taxi.
Dẫu vậy, hiện tại các hãng taxi truyền thống vẫn đang thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm” dẫn đến tính cạnh tranh, chất lượng dịch vụ không cao. Nhưng trong tương lai, nếu hàng chục nghìn xe taxi truyền thống của Hà Nội cùng chung một App gọi xe, chắc chắn độ phủ sẽ dày hơn, chủng loại xe phong phú, đa dạng hơn. Lúc đó, taxi truyền thống mới có khả năng cạnh tranh với các loại hình vận tải như Uber, Grab.