Bảo vệ “trụ cột môi trường”

Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP) là nơi các nước đưa ra các cam kết bảo vệ hành tinh xanh. Hội nghị lần thứ 27 (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập không phải ngoại lệ, khi chứng kiến một loạt lời hứa mới được đưa ra, trong đó có cam kết về bảo vệ và chấm dứt nạn phá rừng.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: LUPO
Biếm họa: LUPO

Trong phát biểu tại COP27, Tổng thống Colombia, Gustavo Petro ví rừng rậm Amazon là “trụ cột” của môi trường toàn cầu và tuyên bố Colombia sẽ đóng góp 200 triệu USD mỗi năm trong 20 năm tới cho các dự án bảo vệ rừng Amazon, đồng thời kêu gọi thế giới chung tay bảo tồn “lá phổi” của hành tinh.

Với diện tích hơn 7 triệu km2, trải dài qua lãnh thổ các nước Colombia, Brazil, Peru, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Surinam và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp, Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, cung cấp khoảng 20% lượng oxy trên Trái đất và có năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2. Rừng Amazon còn đóng vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Nhà lãnh đạo Colombia kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy quá trình khử carbon để bảo vệ rừng Amazon. Theo ông Gustavo Petro, các ngân hàng tư nhân nên ngừng tài trợ, đầu tư vào lĩnh vực khai thác tài nguyên hóa thạch. Ông cũng nhấn mạnh ủng hộ sáng kiến “hoán đổi nợ xanh”, do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), theo đó các nước phát triển và các chủ nợ quốc tế xóa hoặc giãn nợ cho những nước có thu nhập thấp để đổi lấy dự án phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Nỗ lực bảo vệ rừng cũng có thêm bước tiến tại COP27, khi ngay trong ngày họp đầu tiên, 25 nước đã tuyên bố tham gia cơ chế mới thành lập có tên Quan hệ đối tác của các nhà lãnh đạo về vấn đề rừng và khí hậu, với cam kết chấm dứt tình trạng phá rừng vào năm 2030. Tại COP26 năm 2021, hơn 140 nhà lãnh đạo đã ký thỏa thuận cam kết xóa nạn phá rừng vào cuối thập niên này, tuy nhiên đến nay mới chỉ có một vài nước đưa ra chính sách quyết liệt và các khoản tài trợ nỗ lực ngăn chặn hành vi phá hoại này.

Với tuyên bố mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Colombia, cùng khuôn khổ hợp tác mới của nhóm nước có diện tích rừng chiếm 35% tổng diện tích rừng toàn cầu, cộng đồng quốc tế đặt kỳ vọng lớn về bước đột phá trong nỗ lực bảo vệ “trụ cột” môi trường toàn cầu.