Ofcom nêu rõ, trẻ em là đối tượng ưu tiên hàng đầu trong quá trình triển khai xây dựng Luật An toàn trực tuyến tại “xứ sương mù”. Rõ ràng, chứng kiến những vụ việc đau lòng khởi nguồn từ mặt trái của không gian mạng ngày càng gia tăng, giới chức Anh không thể “bình chân như vại”.
Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về an ninh mạng, Ofcom đang lên kế hoạch buộc các công ty như Facebook và Instagram giải quyết dứt điểm các nguyên nhân gây mất an toàn trên không gian mạng. Giám đốc điều hành Ofcom, Melanie Dawes khẳng định, Ofcom sẽ tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn và lành mạnh hơn, nhất là đối với thanh-thiếu niên, bằng các biện pháp như ngăn chặn tin nhắn từ những người lạ không có tên trong danh sách bạn bè và không hiển thị thông tin vị trí của trẻ em. Theo Ofcom, các công ty cũng cần sử dụng công nghệ để sàng lọc và phát hiện các hình ảnh về lạm dụng tình dục trẻ em.
Ofcom cho biết sẽ tham khảo ý kiến đóng góp của các bên liên quan về các biện pháp nêu trên, trong đó có một số biện pháp về chống gian lận và khủng bố, trước khi hoàn thiện dự thảo luật vào năm 2024 và trình Quốc hội Anh thông qua. Khi những quy định mới có hiệu lực, các công ty không tuân thủ có thể phải đối mặt mức phạt lên tới 18 triệu bảng Anh (22,1 triệu USD) hoặc 10% tổng doanh thu trên toàn cầu.
Cũng như Anh, Ủy viên phụ trách các vấn đề kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU), ông Thierry Breton tuyên bố sẽ yêu cầu YouTube và TikTok cung cấp thông tin về cách thức bảo vệ trẻ em trước các nội dung bất hợp pháp và có hại trên các nền tảng này theo Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) mới của EU. Đạo luật DSA của EU yêu cầu những “gã khổng lồ” công nghệ đặc biệt chú trọng ngăn chặn các nội dung trực tuyến bất hợp pháp và có hại, nhất là nhằm vào nhóm đối tượng trẻ vị thành niên. Nếu vi phạm đạo luật DSA, các Big Tech có thể đối mặt mức phạt nặng lên tới 6% doanh thu toàn cầu.