Chỉ có 10% trẻ em được trang bị kỹ năng
Có con nhỏ hơn 3 tuổi, chị Nguyễn Thị Hương (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) hằng ngày vẫn phải bật nhạc, phim hoạt hình ngắn trên điện thoại thông minh để dỗ con ăn. Không có thời gian để xem trước nội dung bật cho con xem, bản thân chị cũng giật mình với các đoạn quảng cáo với nội dung bạo lực, không phù hợp trẻ em đột ngột hiện ra giữa các bài nhạc thiếu nhi.
Mùa hè nắng nóng, lại thiếu chỗ chơi, anh Nguyễn Văn Định (Trường Chinh, Hà Nội) giao hẳn cho con trai 6 tuổi chiếc ipad để giữ chân con ở nhà. Từ nhỏ, cháu đã thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh để truy cập vào các trò chơi online, xem phim hoạt hình trực tuyến. Gần đây cháu có những hành động lạ như nóng nảy, hay la hét và thường xuyên giận dữ. Kiểm tra lại các trò chơi và đoạn phim con trai xem, anh Minh giật mình với các đoạn quảng cáo ngắn chèn vào. Mặc dù là nhân vật hoạt hình, nhưng các đoạn quảng cáo nhiều khi lại có nội dung bạo lực, máu me, nội dung ca nhạc hoặc quảng cáo hoàn toàn không phù hợp với một đứa trẻ 6 tuổi. Trong khi đó, các chuyên gia công nghệ cảnh báo, các thông tin độc hại chỉ cần một khoảng thời gian ngắn đã đủ gây nguy hiểm với trẻ.
Tình cờ kiểm tra đúng lúc con đang làm bài tập theo bài cô giáo giao trên mạng, chị Nguyễn Thị Thúy (Nhật Tân, Tây Hồ) mới phát hiện ra con đang vào một nhóm chat, chia sẻ truyện tranh và chơi game trên mạng. Kiểm tra lại phần mềm theo dõi học tập mà gia đình đã cài vào máy con, chị Thúy cũng tá hỏa phát hiện ra con mình biết cách lập màn hình ảo, khóa bàn phím để “lách” sự giám sát của bố mẹ… Hóa ra, hơn một năm học online, con chị Thúy vẫn lén lút vào các trang riêng, làm việc riêng ngay cả trong giờ học.
Năm 2021, Việt Nam có khoảng 72 triệu tài khoản mạng xã hội đang hoạt động (tăng 11% so cùng kỳ 2020), tương đương mức độ thâm nhập là 73,7%. Độ tuổi của người dùng từ 16 đến 64 tuổi là 65,9 triệu người. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng internet để học tập, giải trí, giao tiếp… ngày càng tăng lên. Điều này được đánh giá là gia tăng những rủi ro đối với người sử dụng, đặc biệt là trẻ em. Khi mạng internet xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống của một đứa trẻ, đáp ứng tất cả các nhu cầu từ học tập, giải trí, giao lưu kết bạn… đồng nghĩa nguy cơ trẻ bị xâm hại trên mạng càng cao. Nguy hiểm rình rập, nhưng rất ít trẻ được trang bị kỹ năng an toàn thông tin, để biết cách tự bảo vệ mình trên mạng. Theo khảo sát của tổ chức Plan International Việt Nam, chỉ có 10% trẻ em có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng internet.
Không công cụ nào thay thế được cha mẹ
Đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc và nhiều tổ chức liên quan, phối hợp liên ngành nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Dù vậy, như nhận xét của bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), dù sinh ra trong thời đại công nghệ và có thể rất nhanh chóng giỏi công nghệ nhưng các em chưa đủ các kỹ năng cần thiết để đối mặt những rủi ro trên môi trường mạng và dễ bị xâm hại. Đặc biệt là xâm hại tình dục trên môi trường mạng. Thủ đoạn của những kẻ xâm hại tình dục trẻ em rất tinh vi. Ban đầu, kẻ xâm hại thường tiếp cận các em qua các diễn đàn, mạng xã hội (các nhóm, hội), hay qua các phòng chat hay game online. Sau đó chúng tạo niềm tin bằng cách khen ngợi, quan tâm, tặng quà và tiền, khiến trẻ tin tưởng. Chúng thường tạo sự cảm thông với trẻ, khiến trẻ mất cảnh giác, đáp ứng các yêu cầu như gửi ảnh, quay video, hình ảnh nhạy cảm. Nếu trẻ từ chối, chúng dọa sẽ kể cho bố mẹ, bạn bè hoặc phát tán những hình ảnh, video chúng đã có. Giai đoạn này thường quá khả năng xử lý của trẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để giúp trẻ tiếp cận và học hỏi từ internet một cách lành mạnh và tích cực, không một công cụ nào có thể thay thế được vai trò và trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Các phụ huynh nên dành nhiều thời gian quan tâm, chú ý đến hoạt động của các con, cũng như áp dụng những nguyên tắc an toàn để bảo vệ, quản lý và hướng dẫn trẻ trong quá trình học hỏi, giải trí trên môi trường internet. Cha mẹ nên xem trước các chương trình, trò chơi, ứng dụng trước khi để trẻ tiếp cận. Tốt hơn hết, cha mẹ hãy tham gia cùng bé. Quan trọng hãy giữ trẻ gần cha mẹ trong quá trình trẻ sử dụng thiết bị điện tử để cha mẹ có thể gián tiếp kiểm tra hoạt động của các bé.
Hãy luôn theo dõi việc sử dụng internet và mạng xã hội của con, cùng con xây dựng các quy tắc an toàn, hướng dẫn cách ứng xử phù hợp trên mạng là lời khuyên của các chuyên gia dành cho phụ huynh.
Báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong quý I năm 2022, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021). Thống kê của Cục Trẻ em cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so với quý I/2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt cóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi.