Những phiên hoảng loạn không đáng có vẫn hiện diện trên TTCK và tất nhiên phải có giải pháp ngăn chặn. Biện pháp tạm dừng giao dịch đã được một số TTCK trên thế giới áp dụng, trong đó có Mỹ và nó cũng phát huy một số hiệu quả nhất định.
Tại Việt Nam, đến thời điểm hiện nay chưa có quy định về công cụ “ngắt mạch” hay “dập cầu dao”, nhưng mới đây Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó đáng chú ý là việc đề cập một số biện pháp bảo đảm an toàn cho TTCK.
Theo dự thảo, nếu có sự kiện ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành một cách ổn định, trật tự, thông suốt của TTCK hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân ở quy mô toàn TT và một số biến cố nghiêm trọng khác, thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) được yêu cầu Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) tạm ngừng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động giao dịch trên TTCK cơ sở, TTCK phát sinh… Có thể nói, nếu dự thảo này được chính thức áp dụng, sẽ củng cố niềm tin của các NĐT vào TT, vào nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc bảo vệ TT thông qua các giải pháp rất hợp lý.
Lâu nay các cơ quản lý đã có những giải pháp nhằm bảo vệ cũng như ngăn chặn thiệt hại khi TTCK hoảng loạn. Khởi điểm là vào giai đoạn 2008, việc thu hẹp biên độ giao dịch trong một khoảng thời gian được áp dụng để chặn đà lao dốc quá đà của TT. Đã 12 năm trôi qua, chưa bao giờ các cơ quan quản lý phải “bóp” biên độ như trước, phần vì những cuộc điều chỉnh như năm 2008 không diễn ra, phần cũng vì TT phát triển và có những thay đổi mạnh mẽ nên cũng cần những giải pháp thích hợp.
Có câu hỏi đặt ra, việc “ngắt mạch” vốn không phải là giải pháp mới, nhưng tại sao không được áp dụng sớm hơn mà phải đến bây giờ?
Cần nhớ, trong khoảng 10 năm gần đây, biện pháp thường được sử dụng và cũng rất hữu dụng chính là thông điệp từ cơ quan quản lý. Theo đó, người đứng đầu UBCKNN vẫn thường có những chia sẻ trên truyền thông rất hợp lý, hợp tình về diễn biến của TT, nguyên nhân gây ra những phiên sụt giảm và cơ hội, tiềm năng của TT. Cần nhấn mạnh ở đây, sau khi những thông điệp này xuất hiện, diễn biến của TT thường ổn định trở lại, thậm chí có những đợt tăng trưởng mạnh về sau. Điều này giúp cho niềm tin của NĐT cả trong nước lẫn nước ngoài được củng cố.
Cũng nên nói thêm rằng, không phải “ngắt mạch” hay “dập cầu dao” là biện pháp tốt nhất và phù hợp nhất mà chỉ nên xem đây là một công cụ, mà nếu được áp dụng sẽ giúp cho cơ quan quản lý bảo đảm an toàn cho TT và tiến thêm đến việc có những hoạt động phù hợp thông lệ của TTCK quốc tế. Có thời điểm TTCK Mỹ dù có “ngắt mạch” thì tâm lý của nhà đầu tư vẫn hoảng loạn sau đó và lại tiếp tục bán tháo. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay đã có những công cụ, những thông điệp từ các nhà quản lý rất phù hợp bối cảnh, tình hình phát triển của TT.