Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người lần thứ nhất tại Lai Châu vừa diễn ra là hoạt động đáng chú ý với xã hội và các địa phương. Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người” là dịp tôn vinh, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người, tạo cơ hội, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00

Lâu nay, thường diễn ra những ngày hội văn hóa các dân tộc ở từng vùng như Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên… hoặc ở từng tỉnh. Mỗi dịp đó như một cuộc tôn vinh trước xã hội về giá trị đặc sắc của văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đồng thời, sự quy tụ của đại diện các đồng bào thuộc nhóm dân tộc có số dân ít ỏi, phân bố thưa thớt, điều kiện sinh sống thiếu thốn, việc bảo tồn bản sắc lại càng khó khăn, càng như một sự nhắc nhở xã hội, các địa phương về trách nhiệm cần làm tốt hơn nữa việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc của đồng bào.

Thời gian qua, có những ý tưởng, hành động, chương trình ở những quy mô khác nhau trong công tác bảo tồn, phát huy. Đáng chú ý ở đó là những nét mới, phù hợp tình hình, bối cảnh cụ thể một số địa phương, tộc người. Có cả sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm và tinh thần hợp tác, cùng bắt tay thực hiện. Thí dụ như một số lớp học chỉnh chiêng do ngành văn hóa tỉnh Kon Tum, Gia Lai tổ chức thời gian qua với nỗ lực truyền dạy của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, NSƯT, nghệ nhân Phạm Chí Khánh, xuất phát từ thực trạng mai một nghệ nhân, suy giảm khả năng chỉnh chiêng, chơi chiêng trong thế hệ sau, thậm chí là phổ biến tình trạng sai lệch trong sử dụng chiêng. Những lớp học như thế đang cho thấy hiệu quả thực và có khả năng tiếp tục được triển khai. Hoặc một số dự án hợp tác giữa các tổ chức quốc tế với các nhóm nghệ sĩ, nhà thiết kế từ Hà Nội và nghệ nhân, cùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc trong việc khai thác thổ cẩm, hoa văn truyền thống, vật dụng của đồng bào… vào sáng tạo những mẫu sản phẩm mới. Các thiết bị, đồ dùng, quà lưu niệm, mẫu hoa văn trang trí nhà cửa, đồ vật đó, mang dáng nét truyền thống, lại phù hợp không gian hiện đại, được coi như một cánh cửa xóa đói, giảm nghèo, lan tỏa bản sắc đồng bào.

Điều đáng suy ngẫm là trong việc triển khai thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, tại không ít nơi vẫn còn tình trạng, thói quen thực hiện những chương trình, hoạt động quen thuộc “đến hẹn lại lên” của không ít cơ quan quản lý văn hóa, địa phương, thì vẫn rất thiếu những sáng kiến, ý tưởng mới, những cách làm sáng tạo. Thực tế, những chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam vốn rất nhân văn mà Đảng và Nhà nước đã định hướng, xây dựng, rất cần những cách thức triển khai sinh động, đa dạng, mới mẻ, phù hợp tình hình kinh tế, xã hội, đặc thù dân tộc, đặc điểm tộc người, tâm lý đồng bào… qua từng chặng, từng năm, từng thời điểm trên các địa bàn khác nhau. Những cách áp dụng rập khuôn, bó hẹp, ngại và chậm đổi mới sẽ khó lòng phát huy mục tiêu tốt đẹp của chính sách. Bên cạnh đó, những người làm công tác bảo tồn văn hóa cần sâu sát sáng tạo hơn để công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào được thêm nhiều thành quả cụ thể ngay từ những địa bàn nhỏ, những nhóm dân tộc ít người, chứ không phải là những báo cáo mang tính khởi sắc chung chung trên diện rộng.

Vì vậy, cần lắm cơ chế, hành động khuyến khích, đón nhận và cộng hưởng để ngày càng có nhiều sáng kiến hay bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc văn hóa dân tộc được đón nhận, áp dụng thành công.