Các chuyên gia tham dự đã trích dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai tiến công sức khỏe con người (chỉ sau tim mạch). Mặc dù có mức độ ảnh hưởng lớn, nhưng trầm cảm chỉ là một phần của các chứng bệnh tâm lý ở người trẻ như lo âu, căng thẳng, bạo lực, tăng động rối loạn giới tính đang diễn ra hằng ngày ở trường học và gia đình.
Theo nghiên cứu, một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14 nhưng phần lớn đều không được phát hiện hay điều trị. Trong đó, trầm cảm được xem là rối loạn tâm thần phổ biến thứ ba trong thanh, thiếu niên. Tự sát là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trong nhóm độ tuổi từ 15 - 29. Việc sử dụng rượu và ma túy gây hại trong thanh, thiếu niên là vấn đề nổi cộm tại nhiều quốc gia, có thể dẫn đến các hành vi nguy cơ khác như có quan hệ tình dục hoặc điều khiển phương tiện giao thông không an toàn.
Cũng theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em vị thành niên Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Rối loạn tâm thần được định nghĩa là sự kết hợp của những suy nghĩ bất thường, quan niệm, cảm xúc, hành vi và mối quan hệ với người khác. Ngoài những rối loạn về mặt sinh học (chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần lưỡng cực, tâm thần phân liệt…), sức khỏe tâm thần, cũng có thể bị tác động bởi các yếu tố tâm lý xã hội gây căng thẳng.
Theo báo cáo của nhiều nghiên cứu trong nước, 87% số trẻ em trong mẫu nghiên cứu có vấn đề về tâm lý. Nghiên cứu với 202 trẻ em, trong đó có 22,8% số trẻ em trầm cảm; 23,7% số trẻ muốn tự tử; 10,4% tâm thần; 4% tự kỷ và 2,5% lo âu. Như vậy, ước tính tại Việt Nam có ít nhất ba triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Điều đó khiến một bộ phận còn lại tìm kiếm và sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy để “tự chữa”, xoa dịu các dấu hiệu của rối loạn tâm thần dẫn đến bệnh tình ngày càng nặng, thậm chí gây nguy hiểm với xã hội.
Theo PGS, TS Đặng Hoàng Minh, Trung tâm Thông tin hướng nghiệp và nghiên cứu, ứng dụng tâm lý (Đại học Quốc gia Hà Nội), Việt Nam đang có khoảng 2.000.000 trẻ em vị thành niên cần trị liệu tâm lý. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến những vấn đề tâm trí ở trẻ gồm sự cô lập về cảm xúc khiến thanh, thiếu niên lựa chọn không chia sẻ cảm xúc với ai, sử dụng quá nhiều mạng xã hội cũng như internet, gia đình quá nghiêm khắc, kỳ vọng cao của cha mẹ, áp lực học tập, thiếu sự hỗ trợ, bị bắt nạt, sống xa gia đình…
PGS, TS Nguyễn Huy Việt, nguyên Trưởng bộ môn Tâm thần, ĐH Y Hà Nội cho hay, trong rối loạn sức khỏe tâm thần thì phổ biến nhất là bệnh trầm cảm. Hiện nay, 3% - 5% dân số thế giới mắc bệnh này. Ngoài lý do bệnh tật thì bị trầm cảm do chịu áp lực, quá tải, lo lắng, stress từ cuộc sống là căn bệnh của thời đại khiến cho bộ não bị quá tải. Người trầm cảm nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây tổn thương cho chính mình, phản ứng tiêu cực với người chung quanh, có thể tự sát hoặc giết người.
Số liệu thống kê cho biết, khi mắc bệnh, nhiều người trẻ đều tự đối phó với bệnh trầm cảm. Tuy nhiên nhận thức phổ biến của người trầm cảm lại luôn nghĩ mình sẽ khỏi bệnh mà không cần ai giúp. Hiện chưa có một nghiên cứu riêng biệt về kỳ thị, phân biệt đối xử trên thanh, thiếu niên có vấn đề về rối loạn tâm thần, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy nhóm này sẽ phải chịu sức ép rất lớn khiến các em sẽ có cuộc sống ngày càng khép kín và bế tắc hơn.
Vì vậy, theo các chuyên gia, sự phối hợp, tham gia của các bên như xã hội, y tế và giáo dục trong các chương trình về sức khỏe tâm thần cho thanh, thiếu niên là vô cùng cần thiết. Đây là hành động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên cách chăm sóc sức khỏe bản thân, cũng như dạy các em cách hỗ trợ bạn bè cùng trang lứa và cho cả thầy cô, gia đình.