Bảo đảm an toàn trường học

Hình ảnh học sinh được đến trường khai giảng mang lại năng lượng tích cực trong nhiều người.
0:00 / 0:00
0:00

Một số phụ huynh hôm 5/9 vừa rồi còn bảo, đó là ngày “giải phóng phụ huynh”. Ấy là nói vui vậy thôi, vì sau hai năm Covid-19, với mùa khai giảng online, sẽ chẳng ai có thể quên được và ai cũng mong con trẻ được đến trường học trực tiếp.

Thế nhưng, khi học sinh bắt đầu một năm học mới, thì bên cạnh nỗi lo lạm thu đầu năm, nhiều người còn lo đến chuyện an toàn ở trường học.

Vừa đi học trở lại được vài ngày, con chị Thanh Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) năm nay vào học lớp 3 về nhà khóc tức tưởi bảo với mẹ, con bị mất sách Toán. Tương tự, con chị Hà Anh (Ba Đình,

Hà Nội) vừa lên lớp 2 “phản ánh” con bị bạn trong lớp... tát… Ngoài ra, còn những hiện tượng như bị bạn đổ nước vào sách vở, cặp sách hay giấu khăn quàng đỏ, bẻ thước kẻ… cũng khiến các phụ huynh băn khoăn. Ở các khối lớp lớn hơn, nỗi lo bạo lực học đường cũng bắt đầu được phụ huynh quan tâm…

Theo nhiều phụ huynh, việc các lớp học có sĩ số lên tới 50-60 học sinh thì các thầy, cô giáo khó mà quản lý, theo dõi chu đáo được. Chính vì thế khi mới phát sinh những hiện tượng nho nhỏ chưa được các thầy, cô tiếp nhận ngay và xử lý thấu đáo nên nỗi ấm ức trong nhiều học sinh bắt đầu tích tụ, tạo ra những ẩn ức không hay.

Điều đáng ngại nữa là câu chuyện bảo đảm an toàn về cơ sở vật chất khi học sinh trở lại trường. Vấn đề không mới, tuy nhiên, sự quan tâm của các cơ sở giáo dục và ở các vùng, miền là không giống nhau. Do đó, ngay đầu năm học mới đã xảy ra những câu chuyện bất thường. Ví như mới đây, chỉ sau lễ khai giảng đúng một ngày, mảng vữa trần lớn trong lớp học rơi xuống khiến hai học sinh bị thương nhẹ. Chuyện xảy ra ở Trường THPT Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) vào trưa ngày 6/9.

May là lúc xảy ra sự việc, các em học sinh trong lớp ra ngoài ăn trưa, chỉ còn lại vài em ở lại nên đã hạn chế được thương vong trong trường học. Nhưng từ câu chuyện này, rất cần các cơ sở giáo dục có sự quan tâm tích cực và thỏa đáng. Bên cạnh việc tự ý thức của các nhà trường, các cơ sở đào tạo thì ngành giáo dục của từng địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như UBND các tỉnh, thành phố cũng cần đôn đốc, chỉ đạo rà soát cơ sở vật chất trong trường học. Chỉ có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của nhiều ban, ngành, của nhiều địa phương, của mỗi nhà trường thì câu chuyện an toàn trường học mới tiếp tục được củng cố, nhằm hạn chế những tai nạn không hay xảy ra với học sinh, sinh viên khi năm học mới chính thức bắt đầu…